Đâu là hạnh phúc của con trẻ?

Thay vì hỏi một đứa trẻ đi học về được mấy điểm, có bao nhiêu ông bố, bà mẹ đã hỏi con mình rằng: Hôm nay ở trường con có vui không, có hạnh phúc không?

1. Cuối cùng thì cậu bé học lớp 4, con anh bạn hàng xóm không được đi du lịch dịp nghỉ lễ 2/9. Đó là hình phạt vì bé chỉ đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu chứ không phải là học sinh xuất sắc. Nghỉ hè chừng nửa tháng, bố mẹ “nhét” cậu vào các lớp học thêm, từ tiếng Anh đến Toán, Tiếng Việt. Cuối tuần, về quê được nửa ngày, chuyến xe gia đình lại ngược trở về phố với lý do: học.

Ông bà xót cháu nhưng không thể lên tiếng vì “thời bây giờ nó khác”. Theo bố mẹ cháu, lớp 5 sẽ là một “cuộc chiến”, chỉ cần sơ sẩy một chút, rất khó để vào trường điểm cấp 2. Buổi tối, thi thoảng, tiếng quát, tiếng dọa của mẹ cháu vẫn vọng sang nhà tôi. Nào là: “không học chỉ có đi cuốc đất thôi con ạ”, “nhìn con người ta mà thèm”. Thằng bé, có lẽ chưa đủ lớn để hiểu thế nào là “cuốc đất” nhưng âm lượng từ giọng nói cùng thái độ của người mẹ rồi sẽ hằn lên ký ức tuổi thơ của cháu như một nỗi buồn không tên.

Muốn học sinh hạnh phúc phải tôn trọng khác biệt, khuyến khích sáng tạo, khơi dậy đam mê, định hướng đúng đắn để các em phát huy năng lực, sở trường. Ảnh minh họa

Muốn học sinh hạnh phúc phải tôn trọng khác biệt, khuyến khích sáng tạo, khơi dậy đam mê, định hướng đúng đắn để các em phát huy năng lực, sở trường. Ảnh minh họa

Nhưng rồi từ hàng xóm, câu chuyện học lan cả sang nhà tôi, mà có lẽ là cả khu phố. Buổi tối, nếu có một đứa trẻ nào tranh thủ giữa giờ học bài ra đường đá bóng, đạp xe gây ồn ào, trong nhóm kín trên điện thoại sẽ vang lên những dòng tin nhắn chát chúa phàn nàn của phụ huynh cả khu phố vì ảnh hưởng đến con của họ.

Có hôm đi làm về muộn vừa về đến tầng một đã nghe tiếng vợ tôi quát tháo ầm ĩ trên tầng 2. “Sao bài toán dễ thế mà mày không làm được? Học hành thế này thì lớn lên chỉ đi cuốc đất thôi con ạ”. Lại thêm một thằng bé nữa chưa đầy 9 tuổi có nguy cơ phải đi… cuốc đất vì học kém.

Bị người lớn quát, thằng bé ngồi trên bàn học nhưng mặt cau có, cúi gằm xuống bàn tỏ vẻ ức chế. Xót con, tôi nhẹ nhàng khuyên vợ: “Lần sau em nói nhẹ nhàng với con có được không? Nóng nảy không đem lại kết quả tốt trong giáo dục bao giờ”.

Chưa kịp dứt lời, vợ tôi đã trừng mắt lên: “Anh giỏi thì thử dạy kèm nó một buổi tối xem sao? Nói thì dễ, còn làm mới khó!”. Nói rồi mẹ cháu đứng phắt dậy rời khỏi phòng, để lại thằng bé ngồi gặm bút, nước mắt trực trào.

Hè vừa rồi cu cậu chỉ học thêm tuần 1 buổi tiếng Anh theo kiểu học mà chơi, thời gian còn lại tôi cho con đi đá bóng. Cháu có niềm đam mê bóng đá đặc biệt và luôn muốn khám phá thế giới cầu thủ nổi tiếng thế giới. Vốn là người ghét bóng đá, cứ mỗi lần con trai nhắc đến tên Ronaldo hay Messi, vợ tôi lại gạt phắt đi. Theo cô ấy, giá mà việc học bé cũng đam mê như tìm hiểu cầu thủ thì kết quả chắc đã khác. “Lớp 4 là năm “bản lề” của tiểu học. Nếu mất gốc thì đừng trông chờ gì ở những năm học cấp 2”, vợ tôi phán như đinh đóng cột.

Buổi tối, tôi tin không chỉ ở gia đình mình mà những hình ảnh, câu chuyện như thế phổ biến ở khắp nơi. Sau bữa cơm, không còn cảnh gia đình quây quần trò chuyện về những niềm vui, nỗi buồn trong ngày. Bố mẹ làm những gì ở cơ quan, con cái có niềm vui gì ở trường. Thay vào đó là: “ăn nhanh lên còn đi học”. 21h30 phút từ bao giờ trở thành giờ cao điểm, tắc đường, kẹt xe vì là giờ tan tầm học thêm của con trẻ?

2. T. năm nay lên lớp 11. Năm lớp 10, cậu tập hợp các bạn yêu văn chương thành một nhóm bút với tên gọi “dòng xanh”. Khác với các nhóm trong trường như “media”, “Chill”, “Troll thầy”…, nhóm của T. rất ít tương tác trên mạng xã hội. Dẫu vậy, T. vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Theo em, được theo đuổi đam mê, phát huy năng lực sở trường, vừa giải trí vừa học tập mới là đích đến. 1 năm trôi qua, nhóm gần như không có thêm thành viên nào. Thi thoảng các bạn làm thơ, viết văn, đăng những tản văn đẹp như tranh lên mạng nhưng kết quả vẫn là sự thờ ơ của bạn bè, công chúng.

Biết T. làm thơ, bố mẹ em bắt đầu lo lắng, hoài nghi. Rằng, con trai phải mạnh mẽ mà thơ ca, theo họ hiểu là cảm xúc, ủy mị. Theo đuổi thơ ca rồi thơ nó vận vào người… Mấy câu thơ, câu văn không thể là chân đế vững vàng để cất cánh đến tương lai tươi sáng.

Đi cùng với những lập luận như thế, mẹ T. quyết kéo con trai mình thoát hẳn “vũng lầy” thơ phú. Sau khi cấm tiệt con trai tham gia các hội nhóm về văn chương, bà mẹ đang là chuyên gia tài chính yêu cầu con trai mình chuyển sang học Toán. Theo chị, chỉ có khoa học tự nhiên mới có nhiều sự lựa chọn về công việc cho tương lai. Khỏi phải nói T. buồn như thế nào. Nhóm “dòng xanh” chính thức tan rã khi không còn chủ soái. Giấc mộng thành thi sỹ của chàng trai trẻ tan thành mây khói. “Thơ ca không thể mài ra ăn được”, lời mẹ lặp đi lặp lại văng vẳng trong đầu T. như một ký ức buồn của tuổi thần tiên.

Không chỉ có T., nhiều học sinh khác, dù sớm bộc lộ năng khiếu bóng đá, khiêu vũ, âm nhạc, hội họa… cũng bị phụ huynh tìm cách… khai tử từ trong trứng nước. Đam mê bị đóng sập khi vừa nhen nhóm khiến mơ ước tuổi thơ chỉ còn là hoài niệm. Các em đã phải gồng mình trong một khuôn đúc tương lai định sẵn của bố mẹ với khối này, trường nọ. Kết quả là khi theo học những ngành trái đam mê sở trường, các em không cảm thấy hạnh phúc.

Có người nói áp lực mới tạo ra kim cương nhưng ép buộc có thể biến kim cương thành đồng nát là vì thế.

Ap lực mới tạo ra kim cương nhưng ép buộc có thể biến kim cương thành đồng nát. Ảnh minh họa

Ap lực mới tạo ra kim cương nhưng ép buộc có thể biến kim cương thành đồng nát. Ảnh minh họa

3. Dự án “trường học hạnh phúc” của UNESCO được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam mươi năm trở lại đây nhưng khái niệm “học sinh hạnh phúc” xem chừng mới chỉ là khẩu hiệu. Mục đích thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng và nuôi dưỡng các tài năng và thế mạnh đa dạng hơn là kết quả học tập dường như chưa được coi trọng đúng mức. Tôn trọng khác biệt, khuyến khích sáng tạo, từ đó khơi dậy đam mê, định hướng đúng đắn để học sinh phát huy năng lực, sở trường đã bị căn bệnh thành tích che mờ, bao phủ.

Từ bao giờ khi nghĩ về một học sinh, người ta thường hỏi học trường nào, lớp nào, Toán mấy điểm, Văn mấy điểm, đạt giải gì chưa thay vì hỏi xem cháu thích gì, ước gì, có khả năng gì nổi trội, muốn là ai trong tương lai?

Đến bao giờ bố mẹ, thầy cô dám chấp nhận để con cái họ, học sinh họ nghĩ khác họ thông qua tranh biện để đi tìm chân lý thay vì áp đặt, cho rằng người lớn luôn đúng. Rằng trẻ con cãi người lớn là vô lễ khi mà người lớn không phải lúc nào cũng đúng?

Điều này căn cốt nguyên nhân xuất phát từ gia đình, từ phụ huynh chứ không hẳn từ nhà trường. Cha mẹ không tôn trọng lựa chọn của con cái, không dám hướng cho con đi những đường chưa ai đi, làm những việc chưa ai làm. Hạnh phúc của học sinh đôi khi được đo bằng sự hài lòng của phụ huynh chứ không phải bằng chính niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi đam mê của các em.

Không ít người nổi tiếng chia sẻ rằng, con đường thành công của họ từng trắc trở ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những gia đình nề nếp, cơ bản thường không khuyến khích, thậm chí tìm cách ngăn cản con cái theo đuổi năng khiếu đam mê, nhất là với nghệ thuật và thể thao. Họ muốn con cái bơi trong vùng an toàn bằng con đường học hành hơn là để bay tự do trong những chân trời mới chưa biết lối ra. Chiều theo ý bố mẹ, nhiều em trở thành những cỗ máy học hành, thi cử để rồi sản phẩm ra lò na ná nhau. Ra trường, kiếm tấm bằng, kiếm cơm, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, ước mơ, hạnh phúc, tất cả như được lập trình sẵn.

Trường học nào cũng trưng lên câu khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhưng đã có ngôi trường nào từng làm trắc nghiệm xem còn có học sinh nào buồn hoặc chưa vui mỗi ngày vì áp lực học hành, vì chưa thích môn này, ghét môn kia?

Thay vì hỏi một đứa trẻ đi học về được mấy điểm, có bao nhiêu ông bố, bà mẹ đã hỏi con mình rằng: Hôm nay đi học con có vui không, có hạnh phúc không?

Và, khi con không đạt được kết quả như kỳ vọng, điểm thấp, thi trượt, có bố mẹ nào dám dũng cảm đón nhận nó một cách nhẹ nhàng rồi cùng con tìm cách vượt qua?

Một chú chim hạnh phúc phải được bay đến những chân trời tự do chứ không phải những đường băng vạch sẵn. Chú chim ấy cũng không cần phải bay theo đàn, bay minh họa cho mùa nếu muốn di trú về miền hạnh phúc.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dau-la-hanh-phuc-cua-con-tre-d201374.html