Đâu là mục đích thực sự của Trung Quốc trong giải quyết xung đột Nga-Ukraine?
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì quan tâm ai là người chiến thắng sau cùng, Bắc Kinh chú trọng đến lợi ích đạt được với tư cách là nhà môi giới hòa bình.
Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu, Trung Quốc luôn muốn khẳng định vị thế người kiến tạo hòa bình khi không ngừng đưa ra đề nghị làm trung gian hòa giải giữa hai bên.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả khi cuộc chiến nổ ra, Bắc Kinh vẫn vô cùng thân thiết với Nga cũng như từ chối lên án những gì mà Moscow đang làm tại Ukraine. Không những vậy, cùng chung lập trường về một thế giới đa cực, Trung Quốc sẵn sàng đứng về phía Nga trong cuộc chiến chống lại phương Tây.
Minh chứng rõ nhất là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như có nhiều chuyến thăm tới Moscow vào tháng 3/2023. Trong khi đó, vị lãnh đạo này chỉ mới gọi điện cho người đồng cấp Ukraine lần đầu tiên trong vài tuần gần đây.
Trả lời với CNBC vào hôm 9/5, Alicja Bachulska, thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu cho biết: “Phải mất 14 tháng thì ông Tập mới có một cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, trong khi đó, các lãnh đạo Trung Quốc đã có hơn 20 cuộc đối thoại cấp cao với phía Nga”.
Trong các cuộc điện đàm với Kiev, ông Tập cho biết sẽ cử đại diện đặc biệt tới Ukraine và tổ chức đàm phán với tất cả các bên để đạt được một lệnh ngừng bắn và giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Có thể Bắc Kinh sẽ gấp rút thực hiện trong tuần này sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, Li Hui, sẽ đến thăm Ukraine, Nga và một số nước châu Âu khác để đàm phán về một giải pháp chính trị cho xung đột Ukraine.
Tuy nhiên, mọi người vẫn không ngừng hoài nghi về mong muốn chấm dứt căng thẳng Nga-Ukraine của Trung Quốc. Nhiều người tin rằng Bắc Kinh đang xem nhẹ bản chất của cuộc chiến cũng như hậu quả mà nó gây ra cho toàn thế giới.
Có rất nhiều câu hỏi về tính trung thực của Trung Quốc trong khát vọng trở thành một nhà kiến tạo hòa bình, cũng như mục đích thực chất của quốc gia này trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine hay cuộc chiến giữa Nga và phương Tây.
Nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh không thực sự quan tâm đến người thắng cuộc sau cùng của cuộc chiến. Đối với họ, điều quan trọng nhất là đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán với tư cách là nhà kiến tạo hòa bình của thế giới.
Mục đích thực sự của Trung Quốc?
Trả lời phỏng vấn CNBC, Ryan Hass, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings cho biết: “Trung Quốc tập trung nhiều vào một kết quả hòa bình hơn là việc ai thắng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine”.
“Bắc Kinh muốn có tiếng nói trong việc định hình an ninh châu Âu trong tương lai. Thậm chí quốc gia này muốn được xem là nhân tố chủ chốt đối với quá trình tái thiết Ukraine nói riêng cũng như châu Âu nói chung sau cuộc xung đột” – ông cho biết thêm.
Có thể thấy mong muốn thực chất của Trung Quốc là tăng cường vị thế trong ngoại giao toàn cầu, đặc biệt sau hòa giải thành công Iran và Ả-rập Xê-út.
Tất nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc trong vòng ngoại giao toàn cầu giữa Nga và Ukraine không phải chỉ là thú vui nhất thời.
Trả lời báo giới, Cheng Chen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Albany tại New York cho biết: “Khi Trung Quốc ngày càng khẳng định mình là một siêu cường, họ còn muốn củng cố sức mạnh ngoại giao với tư cách là nhà trung gian hòa giải toàn cầu, đặc biệt là sau thành công hòa giải giữa Iran và Ả-rập Xê-út. Ngoài ra, Trung Quốc có thể ràng buộc Nga hơn nữa nếu việc hòa giải đạt được kết quả.
Bên cạnh đó, động thái này của Trung Quốc có thể nhận được sự ủng hộ của các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu như: châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, cũng như một số cường quốc châu Âu không muốn chứng kiến một cuộc chiến kéo dài ở khu vực này.
Liệu bằng các kỹ năng ngoại giao của mình, Trung Quốc có thể đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán hay không? Có thể những hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga gần đây sẽ trở thành rào cản của Bắc Kinh trên con đường trở thành nhà ngoại giao hòa bình.