Bom siêu lớn FAB-3000 thuộc loại rơi tự do dự kiến sẽ được trang bị module hiệu chỉnh và lập kế hoạch (UMPC), khiến chúng trở thành những quả bom lượn tầm xa với độ chính xác vượt trội.
Mới đây trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới một doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự ở vùng Nizhny Novgorod, một thông tin quan trọng đã xuất hiện.
Theo thông báo từ nhà máy, việc sản xuất hàng loạt loại bom có sức nổ mạnh nhất phục vụ trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã bắt đầu (FAB- 5000 và FAB-9000 không được tính bởi vì không có phương tiện mang phù hợp).
Chúng ta đang nói về bom FAB-3000, đã được sử dụng trong chiến dịch tấn công Mariupol (trận đánh tại Nhà máy Thép Azovstal), đây sẽ là những quả bom sản xuất mới thay vì lấy từ kho dự trữ từ thời Liên Xô.
Rõ ràng do Lực lượng vũ trang Ukraine có hệ thống phòng không hiện đại, việc sử dụng những quả bom này sẽ chỉ có thể thực hiện được khi kết hợp với UMPC module lập kế hoạch và hiệu chỉnh phổ quát) và có thể đi kèm với cơ cấu phóng để tăng phạm vi tiêu diệt.
Được biết do trọng lượng nặng, phạm vi bay thực tế của bom FAB-1500 (trọng lượng danh nghĩa 1500 kg) hóa ra lại kém hơn một chút so với FAB-500, con số này ở FAB-3000 dự kiến còn giảm nữa.
Rõ ràng là việc tăng khối lượng bom hàng không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khoảng cách mà nó có thể bao phủ. Và loại bom FAB-3000 sẽ không thể hiện được điều kỳ diệu theo nghĩa này.
Phương tiện mang hợp lý duy nhất cho loại bom cũ mà mới nói trên chính là máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3. Thực chất chiếc oanh tạc cơ này đã được sử dụng để ném bom FAB-3000 trong trận đánh tại Mariupol.
Về lý thuyết, bom FAB-3000 có thể được sử dụng trên các oanh tạc cơ mang tên lửa chiến lược Tu-160 và Tu-95MS, nhưng điều này sẽ đòi hỏi phải nâng cấp các khoang bên trong của chúng, điều này hoàn toàn phi lý và khó có thể thực hiện được.
Vậy còn Su-34 thì sao? Mặc dù thực tế là máy bay ném bom tiền tuyến này có thể mang thùng nhiên liệu ngoài PTB-3000 (cùng khối lượng với bom FAB-3000), nhưng kích thước của quả bom trên khó lòng cho phép nó được tích hợp an toàn trên bất kỳ hệ thống treo nào.
So với Su-34 thì máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 có 3 giá treo đủ khả năng chịu được sức nặng của một quả bom trọng lượng tới 3 tấn - một giá treo ở giữa (bụng) và hai giá treo ở cánh, mang được tổng cộng 3 quả bom.
Hơn nữa về mặt lý thuyết, chiếc oanh tạc cơ Tu-22M3 sẽ có thể mang theo 42 quả FAB-500 hoặc 8 quả FAB-1500, tạo ra sức tấn công ấn tượng hơn nhiều so với chỉ 3 quả FAB-3000. Vậy mục đích của Nga khi chế tạo bom siêu lớn là gì?
Rõ ràng là lực lượng hàng không vũ trụ Nga đang tạo ra một tổ hợp vũ khí hàng không độc đáo, với sức mạnh được tăng cường tương ứng cho các mục tiêu đặc biệt, không thể bị tấn công hiệu quả bằng bom và tên lửa hiện có.
Theo nhận xét, những cây cầu bắc qua sông Dnieper có thể sẽ trở thành đối tượng tấn công của bom FAB-3000 gắn module UMPC, khi loại FAB-500 hay FAB-1500 vẫn cho thấy chưa đủ uy lực.