Đâu là ý nghĩa viên mãn của phóng sinh?
Giữa những ngày tháng 7, tôi nhận được cuốn sách 'Phóng sinh dưới góc nhìn Phật pháp và đời sống'của Thạc sĩ Nguyễn Đức Bá (hiệu Đô Lương), một cuốn sách hiếm hoi mà tôi ngồi tĩnh lặng đọc một mạch từ đầu đến cuối quên cả thời gian, bởi ẩn chứa trong mỗi câu chữ, là cách kiến giải rõ ràng và chí lý của việc thực hành phóng sinh, thực hiện thế nào đúng tinh thần Phật giáo và đảm bảo yếu tố môi trường.
Qua đó, chúng ta đang thực hiện việc nghe, hiểu dùng trí huệ để lĩnh ngộ được giáo pháp mới mang lại lợi lạc cho chính ta và mọi người quanh ta, giúp ta trực tiếp cảm nhận được những ý nghĩa sâu xa, màu nhiệm trong từng lời dạy của Đức Như Lai...
Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein (1879-1955) đã từng nói về tôn giáo, ông cho rằng "Thời đại chúng ta được làm cho khác biệt bởi những thành tựu tuyệt vời trong những lĩnh vực hiểu biết khoa học và ứng dụng kỹ thuật của những nhận thức sâu sắc đó. Ai mà không vui sướng bởi điều này? Nhưng đừng quên rằng, chỉ tri thức và kỹ năng thôi không thể dẫn dắt loài người đến một cuộc sống hạnh phúc và có phẩm giá được. Những người khai sinh ra các chuẩn mực và giá trị đạo đức cao quý luôn xứng đáng được nhân loại đề cao hơn những người khám phá ra chân lý khách quan…
Những gì nhân loại chịu ơn những nhân cách như Đức Phật, Moses và Jesu đối với tôi còn cao hơn tất cả thành tựu của những bộ óc khám phá và phát minh. Chúng ta phải bằng hết sức mình bảo vệ và giữ cho sống mãi những gì mà những con người thiêng liêng này đã trao tặng chúng ta, nếu nhân loại không muốn đánh mất phẩm giá, sự tồn tại yên bình và niềm vui trong cuộc sống".
Ông còn cho rằng: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, xuất phát từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên, trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa, Phật giáo sẽ đáp ứng các điều kiện đó".
Thống nhất quan điểm ấy qua nhãn quan của mình, sau những năm tháng nghiên cứu Phật giáo, Thạc sĩ Nguyễn Đức Bá đã đi tìm cho mình một hướng nghiên cứu riêng trong lĩnh vực mình theo đuổi. Anh đã viết nhiều cuốn sách, hàng trăm bài báo, giảng hàng nghìn giờ giảng cho các thế hệ sinh viên, đúc rút qua những cuốn sách anh đã đọc, đã nghiên cứu, anh cho rằng, đạo Phật rất huyền vi, màu nhiệm nhưng cũng vô cùng thiết thực trong đời sống, mọi tư tưởng hành động, cũng đều vì lợi lạc của chúng sinh, cứu độ chúng sinh xa rời phiền não, tham lam, sân hậu, si mê, thoát khỏi biển khổ bến mê để đạt đến chỗ an lạc hoàn toàn.
Sự giải thoát không phải chỉ ở nơi thâm sơn cùng cốc, mà luôn thể hiện quanh ta, chúng ta vận dụng được lời dạy của Đức Phật vào trong cuộc sống hằng ngày để thể sự hưởng được phần lợi ích vô biên của giáo pháp. Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Bá, khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh thấy rằng, việc phóng sinh đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hành giáo lý Phật giáo. Phóng sinh là giải thoát cho sinh mệnh đang bị bắt giữ có nguy hiểm tính mạng.
Hiểu rộng ra tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị giam cầm, hoảng loạn vì sắp sửa bị giết hại, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền nảy lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Việc phóng sinh có thể trưởng dưỡng tấm lòng từ bi của mình, nên khởi lòng thương xót mà phóng sinh, xem sinh mạng của loài vật như sinh mạng của chính mình, được vậy thì sẽ không còn khởi ý niệm độc ác, tàn bạo; chẳng cuồng vọng, điên đảo nữa; và sẽ không tạo nghiệp giết hại; sẽ chẳng thiếu món nợ do sát sinh; nên chẳng phải luân hồi thọ báo nữa, nên phóng sinh có rất nhiều lợi ích không thể nghĩ bàn. Kinh Dược Sư Lưu ly Bản Nguyện Công Đức nói rằng: "Cứu thả các sinh mạng được diệt trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn". Kinh Chánh Pháp Niệm cũng dạy: "Tạo một ngôi chùa không bằng cứu một sinh mạng". Vì cứu một sinh mạng tức là cứu một vị Phật, cứu một vị Phật tức là cứu thoát tất cả chúng sinh.
Thời Đức Phật tại thế, ngài quy định các vị Tỷ Khưu hằng ngày dùng nước phải lấy túi lọc nước để lọc. Những sinh vật nhỏ li ti lọc được phải để sang một vật khác có chứa nước rồi đem thả xuống ao, hồ, sông, ngòi… Vật dụng này gọi là phóng sinh khí, có thể được làm bằng sắt, đồng, sứ, gỗ… phía trên có xỏ dây để phòng khi cần phải thả xuống nước sâu hơn.
Ở Trung Quốc từ các đời Tề, Lương thuộc Nam Triều về sau, thuyết Đoạn nhục rất thịnh hành. Vua Lương Vũ Đế (502-549) từng hạ lệnh cấm chỉ sát sinh và bãi bỏ tập tục giết vật để hiến tế trong các tông miếu. Khi ngài Trí Giả Thiên Thai tông đời Tùy ở trên núi Thiên Thai, vì muốn dân cư ven biển đừng làm nghề đánh bắt cá, ông từng tự lấy áo mình mặc để bán và khuyến khích mọi người mua cá thả xuống ao, truyền thụ giới cho các loài thủy tộc trong ao, rồi giảng kinh Kim Quang Minh, kinh Pháp Hoa cho chúng nghe để kết duyên với Phật pháp.
Đó là nguồn gốc của hội phóng sinh Thiên Thai. Về sau, vào năm Càn Nguyên thứ 2 (759) vua Túc Đường Túc Tông hạ chiếu cho các đạo (tỉnh): Sơn Nam, Kiến Nam, Kinh Nam, Chiết Giang đào ao phóng sinh. Đại sư Ấn Quang (1862-1940), tổ thứ 13 của Tịnh Độ tông nói: "Việc giới sát phóng sinh tuy đơn giản dễ thấy, mà cái giới sát phóng sinh thì sâu mà khó hiểu".
Phóng sinh tức là cứu sống sinh mạng. Đã gieo nhân lành ắt phải gặt được quả lành. Ngược lại, cản trở và phê phán việc phóng sinh tức là làm phương hại việc cứu sống sinh mạng. Hết thảy các loài chúng sinh đều có sự sống, đều biết tránh nơi hung dữ, tìm chỗ an lành; đều biết tham sống sợ chết, đều có vui buồn, yêu ghét.
Người thực hiện việc phóng sinh thì loài vật đều âm thầm cảm ơn và luôn mong có dịp báo đáp. Muôn loài chúng sinh đều có đủ Phật tính như chúng ta, nếu so sánh với nhau đều không hơn, không khác. Vì thế, ngày nay thực hiện việc phóng sinh, cứu được một mạng sống, cũng giống như cứu được một vị Phật trong tương lai.
Anh nhấn mạnh: Hiện nay, nhiều người tham gia phóng sinh, song một bộ phận không nhỏ tham gia theo phong trào, bởi vậy hành động này phải bằng chính kiến chứ không chạy theo số đông hay để chứng tỏ mình cũng tham gia phóng sinh. Cũng như không nên "đặt hàng" sinh vật để đi phóng sinh, bởi như thế lại gián tiếp bảo người khác bắt nhốt sinh vật cho mình, như vậy sẽ không đầy đủ ý nghĩa nữa.
Phóng sinh là tự do tùy thuận duyên, không chấp vào lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác vì các loại cá, ốc, lươn... bị săn bắt phục vụ cho người ăn thịt lúc nào, ngày nào cũng có mà thời lượng nào thì sự nguy cấp cũng đều như nhau.
Nên khi ta phát tâm từ bi thì liền thực hiện tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng càng nhanh càng tốt, hành động từ tâm này chẳng cần cầu người khác phải biết đến.
Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.
Cạnh đó, phải có kiến thức về môi trường, tham vấn những người hiểu biết, dùng trí huệ để thực hiện việc phóng sinh: Cụ thể, trước khi phóng sinh phải nghiên cứu môi trường sống nơi mình phóng sinh những loài thủy sinh mới có phù hợp hay không, nếu thấy phù hợp thì mới thực hiện. Lượng phóng sinh đa dạng phong phú, và chúng phù hợp với độ sâu và chất nước khác nhau như: cá, lươn, cua, ốc... đều có không gian và độ sâu sống khác nhau nên người phóng sinh phải chú ý.
Thứ nữa, phóng sinh dưới cái nhìn của Môi trường là để bảo vệ và tái tạo lâu dài môi trường sống nên cần phải chú ý, nên xem xét không gian phóng sinh tránh các đối tượng đánh bắt khi chúng ta thực hiện phóng sinh. Bởi vậy việc nghiên cứu không gian và xem xét trước khi phóng sinh là rất quan trọng, tìm không gian rộng lớn, vừa di chuyển vừa phóng sinh các con vật, không nên phóng sinh một chỗ hay phóng sinh ngay tại bờ sông hay ao hồ nào đó. Đạo Phật là biểu hiện của tinh thần từ bi và trí huệ, phóng sinh cũng cần hai yếu tố đó.
Vì chỉ có như vậy, việc phóng sinh mới có ý nghĩa viên mãn!
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/dau-la-y-nghia-vien-man-cua-phong-sinh-608661/