Đau lòng 2 triệu dân Gaza chen chúc trong vài chục km2

Xung đột kéo dài, người dân Gaza ngày càng phải đối mặt thêm nhiều rủi ro về sức khỏe, về điều kiện vệ sinh, thiếu cái ăn khi phải sơ tán liên tục và không gian sinh sống ngày càng bị thu hẹp, chỉ còn 11% diện tích dải đất.

Gaza từ lâu là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất hành tinh. Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hơn 10 tháng trước, diện tích mà người dân Gaza có thể sống được đã giảm đi đáng kể, theo tờ The Wall Street Journal.

Người dân Gaza ngày càng bị dồn chật lại

Đầu năm nay, các lệnh sơ tán từ Israel đã buộc người dân Gaza phải di dời và sống trong các khu vực tương đương 33% diện tích dải đất này.

Trong những tuần gần đây, lực lượng Israel lại tấn công vào các khu vực mà trước đây Israel đã đánh dấu là vùng an toàn, tức đã "quét sach" Hamas. Tuy nhiên lúc này phía Israel cho biết các chiến binh Hamas vẫn đang trà trộn lẩn trốn trong những khu vực này nên phải truy quét lần nữa.

 Israel tấn công khu vực TP Khan Younis (nam Gaza). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Israel tấn công khu vực TP Khan Younis (nam Gaza). Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Trong nhiều tháng qua, Israel cho rằng các chiến binh Hamas đang sử dụng một khu vực an toàn do Israel chỉ định có tên là Al-Mawasi để tấn công lực lượng Israel và tập hợp lại lực lượng. Các cuộc không kích của Israel đã gây ra thương vong cho dân thường trong khu vực Al-Mawasi này.

“Một trong những biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường là sơ tán dân thường khỏi các khu vực chiến sự” – phía Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết.

Để tránh thêm nhiều người dân thiệt mạng, Israel đang yêu cầu người dân dồn sống vào một khu vực nhỏ của Al-Mawasi.

Trong tháng 8, lực lượng Israel đã ban hành 9 lệnh sơ tán, áp dụng cho cả những khu vực trước đây Israel đã chỉ định là vùng an toàn. Liên Hợp Quốc ước tính các lệnh sơ tán này ảnh hưởng 213.000 người.

Theo The Wall Street Journal, điều đó có nghĩa hầu như 2,2 triệu người ở Gaza hiện chen chúc trong một khu vực rộng khoảng chỉ gần 39 km vuông, tương đương 11% diện tích dải đất.

Áp lực tăng, Israel sẽ nhượng bộ?

Việc không gian sống của người dân Gaza ngày càng bị thu hẹp có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất tồi tệ ở Gaza.

“Việc thu hẹp không gian sinh sống, kết hợp với tình trạng đông đúc, mất an ninh gia tăng, cơ sở hạ tầng không đầy đủ và quá tải, các cuộc tấn công đang làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo của người dân Gaza” - Liên Hợp Quốc cảnh báo.

Không gian sống chật hẹp, điều kiện sống chắc chắn sẽ tồi tệ hơn bình thường. Như tại Al-Mawasi, các nhóm cứu trợ cho biết khu vực này đã chật ních người dân sống trong lều. Không chỉ cơ sở hạ tầng mà năng lực y tế và thực phẩm cũng rất ít ỏi, trong khi nước sạch cũng đang khan hiếm.

 Điều kiện vệ sinh tại các khu vực đông dân như Deir al-Balah ngày càng tồi tệ. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Điều kiện vệ sinh tại các khu vực đông dân như Deir al-Balah ngày càng tồi tệ. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Các lệnh sơ tán khiến việc cứu trợ thêm khó khăn. Văn phòng điều phối nhân đạo của Liên Hợp Quốc báo cáo rằng các cuộc sơ tán đã khiến con đường chính vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo bị tắt nghẽn.

Phía Liên Hợp Quốc cho biết hiện tại các nhân viên cứu trợ gần như không thể di chuyển theo tuyến đường này, khiến việc cung cấp các sản phẩm cần thiết gặp nhiều khó khăn.

 Không gian sống của người dân Gaza ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Không gian sống của người dân Gaza ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: THE WALL STREET JOURNAL

Nỗi lo dịch bệnh vốn đã thường trực ngày càng trở nên cấp bách hơn. Nước thải chưa qua xử lý, tình trạng thiếu nước sạch, không đủ thực phẩm, cơ sở y tế bị tấn công và thiếu đồ dùng vệ sinh cá nhân đang làm trầm trọng thêm nỗi lo về việc bùng phát dịch bệnh không thể kiểm soát.

"Tình trạng quá tải, thiếu nước nghiêm trọng và dịch vụ vệ sinh tối thiểu đang khiến việc lây lan của các dịch bệnh trở nên dễ dàng hơn” – ông Jacob Granger, điều phối viên dự án của tổ chức phi lợi nhuận Bác sĩ không biên giới, cảnh báo.

Thực tế này chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực quốc tế lên Israel về việc chấm dứt xung đột.

Hiện các nhà trung gian hòa giải của Mỹ và các nước Ả Rập đang thúc đẩy Israel và Hamas đồng ý thỏa thuận ngừng bắn để làm dịu tình hình. Tuy nhiên cho đến thời điểm này hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Người dân Gaza: "Không còn nơi nào để đi"

"Không còn nơi nào để đi" là câu trả lời chung của rất nhiều người dân ở Gaza khi được hỏi về việc sơ tán.

“Không còn nơi nào để đi nữa. Chỉ còn Deir al-Balah, và bây giờ họ yêu cầu chúng tôi di tản khỏi Deir al-Balah. Sau bao nhiêu lần di tản, chúng tôi không còn sức để di tản thêm nữa” - đài CNN dẫn lời một người dân phải sơ tán tại Gaza.

“Có tiếng bom đạn, tiếng súng và máy bay trực thăng bốn cánh quạt .... Vì vậy, chúng tôi buộc phải chạy trốn. Mọi người đi đến nơi vô định. Họ không biết gì cả” – ông Muhammad Awad, một người sơ tán, nêu thực tế.

Bác sĩ Jacob Granger, điều phối viên dự án của tổ chức phi lợi nhuận Bác sĩ không biên giới, chỉ trích: "Yêu cầu người dân sơ tán liên tục là vô nhân đạo. Người dân không còn đồ đạc, không còn nơi nào để đi. Không có chỗ để dựng lều".

Sơ tán liên tục

Việc sơ tán liên tục và không gian sống bị thu hẹp gây nên cảm giác đau buồn, sợ hãi cho nhiều người dân Gaza.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dau-long-2-trieu-dan-gaza-chen-chuc-trong-vai-chuc-km2-post806735.html