Đau lưng khi nào nên khám?
Đau lưng là một triệu chứng thường gặp. Theo thống kê của WHO, 80% người dân từng bị ít nhất một lần đau lưng trong suốt cuộc đời. Có những trường hợp tự nhiên đau lưng sau đó cải thiện trong vòng vài tuần nhưng có khi kéo dài hơn hoặc tái phát.
Nguyên nhân nào gây đau lưng và khi nào phải nhập viện để được thăm khám và điều trị?
1. Các nguyên nhân gây đau lưng thường gặp
- Đau lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng
Tình trạng đau lưng do thoái hóa thường gặp sau 50 tuổi. Các biểu hiện đau lưng xuất hiện khi người bệnh vận động, xoay trở vùng cột sống thắt lưng, đặc biệt thường khởi phát sau một vận động cột sống thắt lưng quá mức, kéo dài. Các biểu hiện này thường giảm khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.
- Đau lưng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Tình trạng đau lưng do thoát vị thường gặp ở lứa tuổi 20-50. Các biểu hiện đau lưng thường xuất hiện khi người bệnh ngồi lâu, đứng lâu hoặc cúi người về phía trước hoặc vận động mạnh, đột ngột sai tư thế như cúi lưng khiêng nặng, té đập mông. Tình trạng đau lưng giảm khi người bệnh nằm nghỉ hay thay đổi tư thế. Đau lưng thường lan xuống vùng mông, đùi, cẳng bàn chân một hoặc hai bên.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, khoảng 2/3 trường hợp thoát vị đĩa đệm thì khối thoát vị có thể tự hấp thu một phần hay hoàn toàn sau 6 tháng; khoảng 10% trường hợp vẫn còn đau sau 6 tuần điều trị, khi đó cần xem xét đến chỉ định phẫu thuật.
- Đau lưng do hẹp ống sống
Người bệnh có biểu hiện đau cách hồi thần kinh: cảm giác đau, nóng rát, kiến bò hay châm chích vùng lưng lan mông, đùi, cẳng chân, xuất hiện khi người bệnh đứng hay đi lại; giảm khi người bệnh cúi người ra phía trước. Tuy nhiên, việc chẩn đoán xác định ngoài khám lâm sàng thì các bác sĩ sẽ phải chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.
- Đau lưng do loãng xương
Tình trạng loãng xương gây đau lưng thường gặp ở nữ giới sau mãn kinh hoặc người bệnh dùng corticoid kéo dài. Đa phần có diễn tiến âm thầm không biểu hiện, các biểu hiện thường xuất hiện khi người bệnh có dấu hiệu gãy xương do loãng xương; ví dụ như đau lưng khi có gãy xẹp đốt sống thắt lưng, hay đau vùng khớp háng khi có gãy cổ xương đùi.
Nguyên nhân khác cũng có thể khiến chúng ta đau lưng đó là: ngồi lâu ở các văn phòng, thừa cân, suy nghĩ căng thẳng cũng có thể gây đau lưng thấp. Các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp bao gồm công việc phải nâng, kéo, đẩy các vật nặng, nhất là khi phải xoay vặn hay chuyển động cột sống.
Các nghề ít hoạt động hoặc ngồi suốt ngày trên ghế, nhất là khi ngồi sai tư thế hay không được chống đỡ lưng phù hợp cũng có thể bị đau lưng.
2. Khi nào đến bệnh viện?
Thông thường đa phần triệu chứng đau lưng thường thuyên giảm sau khi người bệnh nghỉ ngơi.
Tuy nhiên khi đau lưng đi kèm các tính chất mang tính cảnh báo như: thay đổi tổng trạng (sụt cân, mệt mỏi), sốt, vận động khó khăn, tê yếu hai chân hoặc thay đổi tính chất đau như đau tăng dần không giảm khi nghỉ ngơi, đau về đêm, cứng khớp buổi sáng trên một giờ… thì người bệnh cần đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để tránh chẩn đoán muộn gây khó khăn cho việc điều trị.
Những trường hợp đau lưng cần nhập viện cấp cứu
Nếu đau lưng kèm theo các biểu hiện dưới đây thì cần nhập viện ngay:
Sốt cao, vùng lưng đau nổi cục u hoặc sưng, bị thay đổi hình dạng.
Cơn đau không cải thiện sau khi nghỉ ngơi hoặc đau hơn vào ban đêm;
Đau nhiều khi hắt hơi, ho hoặc són tiểu;
Đau lưng kèm ngứa ran, yếu hoặc tê ở cả hai chân;
Đau lưng kèm tê hoặc ngứa ran xung quanh bộ phận sinh dục hoặc mông, khó đi tiểu mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột (đi tiểu hoặc tiểu rỉ);
Đau lưng kèm tức ngực, xảy ra từ sau một tai nạn nghiêm trọng như xe cộ...
Tóm lại: Đau lưng là một triệu chứng thường gặp, khi có biểu hiện đau lưng cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng. Có thể thử tập luyện bài kéo giãn để giảm đau lưng hoặc các hoạt động như đi bộ, bơi lội, yoga... cũng có thể giúp giảm đau lưng.
Nếu cơn đau lưng ngày càng nặng, thực hiện những bài tập tại nhà vẫn không cải thiện đau lưng thì cần gặp bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau hoặc thuốc để các cơ lưng được nghỉ ngơi.
Ngoài ra, người bệnh cần một chế độ sinh hoạt, vận động, kiểm soát cân nặng, tính chất công việc… cũng quyết định rất nhiều vào việc kiểm soát hiệu quả triệu chứng đau lưng.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-lung-khi-nao-nen-kham-169230115172811139.htm