Đau mắt đỏ, sốt xuất huyết đang vào mùa

Hiện nhiều địa phương ghi nhận tình trạng bệnh nhân đau mắt đỏ, sốt xuất huyết đến khám bệnh và điều trị tăng.

Tại nhiều bệnh viện, tỉ lệ người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị gia tăng. Trong 1 tháng qua, Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp.

Trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như: có giả mạc cần bóc, bị trầy xước giác mạc.

 Đau mắt đỏ là bệnh có thể lây thành dịch (ảnh nguồn internet).

Đau mắt đỏ là bệnh có thể lây thành dịch (ảnh nguồn internet).

Phòng khám Mắt (Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh) thời gian qua trung bình thăm khám cho khoảng 80 bệnh nhân/ngày. Trong đó, bệnh nhân đau mắt đỏ gặp ở mọi lứa tuổi chiếm khoảng 50% trường hợp tới khám.

Tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Mỗi ngày, khoa Khám bệnh tiếp nhận trên 200 người đến khám các loại bệnh về mắt và gần 1/3 bệnh nhân trong số đó bị đau mắt đỏ, khoảng chục bệnh nhân sau khám chỉ định nặng cần phải nhập viện điều trị.

Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng ghi nhận số ca tới viện thăm khám do đau mắt đỏ có sự gia tăng.

Trong khi đó, trong tuần qua, tại Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết và 71 ổ dịch mới tại 20 quận, huyện. Thông thường, sốt xuất huyết tăng mạnh vào tháng 10 và 11, nhưng năm nay bắt đầu gia tăng từ tháng 6.

Hoàng Mai là quận ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhất của Hà Nội trong tuần vừa qua với 13 ổ dịch. Tới phường Vĩnh Hưng, PV báo Nhà báo và Công Luận ghi nhận nơi đây có mật độ dân cư đông, nhiều nhà trọ cho thuê, nhiều công trình xây dựng và khu vực đất trống dùng làm nơi chứa phế thải, vật liệu xây dựng, chậu hoa, chai lọ vứt ngổn ngang… Nơi đây cũng còn nhiều bể nước nổi, 3 nghĩa trang, nên muỗi vào đẻ trứng, phát sinh nhiều ổ bọ gậy.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nơi có diễn biến dịch phức tạp và ca bệnh nhiều nhất của Thủ đô hiện nay là huyện Thanh Trì và Thạch Thất. Riêng tại Thạch Thất 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là thôn Vĩnh Lộc, thôn Bùng (xã Phùng Xá, có 334 bệnh nhân) và thôn Sen, thôn Bàn (xã Hữu Bằng, có 186 ca mắc).

Còn ổ dịch tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) ghi nhận 217 bệnh nhân. Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, giám sát cho thấy, ổ dịch này cũng không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu. Kết quả kiểm tra của CDC Hà Nội đều ghi nhận chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Theo thống kê, thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nhất (hơn 100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội 79 ca và Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 bệnh nhân.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày trung bình tiếp nhận 10-20 ca mắc sốt xuất huyết là người Hà Nội vào nhập viện. Trong số đó, có khoảng 5-10% bệnh nhân có biểu hiện nặng.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết với 4.058 ca mắc, hiện còn 129 ổ đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, đỉnh dịch năm nay của Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân: năm 2015 có 15.412 ca; năm 2019 có 12.255 ca; năm 2020 có 19.771 ca.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-mat-do-sot-xuat-huyet-dang-vao-mua-post261764.html