Hãng Bell vừa thông báo rằng, quân đội Mỹ đã chính thức giao động cơ tuabin T901 hoàn thiện do GE Aerospace sản xuất, để phục vụ chương trình Máy bay Trinh sát Tấn công Tương lai (FARA).
Với sự xuất hiện của động cơ T901, hãng Bell đã sẵn sàng hoàn thành nguyên mẫu siêu trực thăng tàng hình Bell 360 Invictus đầu tiên thuộc dự án FARA.
Hãng Bell đã tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng hỗ trợ dự án FARA, bao gồm chuỗi cung ứng và trung tâm sản xuất để bắt đầu hoàn thiện nguyên mẫu và tiến hành các thử nghiệm cần thiết.
Với động cơ T901 hiện có trong tay, hãng Bell sẽ tích hợp ngay lên nguyên mẫu hoàn thiện đầu tiên.
“Nhóm của chúng tôi đã làm việc chăm chỉ, phối hợp với các hãng dể đẩy nhanh việc hoàn thiện nguyên mẫu đầu tiên, tiến hành đánh giá thử nghiệm theo yêu cầu của quân đội Mỹ",” ông Chris Gehler, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc dự án FARA cho biết.
Sau khi được lắp đặt động cơ T901, trực thăng tấn công Bell 360 sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm dưới mặt đất trước khi thử nghiệm bay.
Những cuộc thử nghiệm là yếu tố cần thiết để hoàn thiện quá trình phát triển dòng máy bay uy lực này, trước khi đi vào sản xuất hàng loạt.
Được biết, hãng sản xuất trực thăng nổi tiếng Bell đã phát triển dòng trực thăng tấn công thế hệ mới mang tên Bell 360 nhằm đáp ứng yêu cầu của quân đội Mỹ.
Với Bell 360, hãng Bell hướng đến nền tảng máy bay trực thăng đa năng chủ yếu tối ưu về hiệu suất và chi phí sản xuất.
Chiếc Bell 360 được thiết kế với hình dạng khí động học độc đáo, giúp tối ưu hóa khả năng tàng hình, hoạt động ổn định và ít gây tiếng ồn nhất có thể.
Cấu hình chung của Bell 360 rất điển hình của máy bay trực thăng có vũ trang hiện đại với phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí ngồi trước- sau, tương tự AH-64 Apache.
Rotor chính và rotor đuôi của Bell 360 đều có 4 cánh và hệ thống rotor này được chế tạo bằng vật liệu composite có thể hoạt động tốt ngay cả khi trúng đạn súng trường.
Ban đầu Bell 360 có cánh quạt đuôi đặt trong lồng tròn (fenestron - một thiết kế nổi danh trên chiếc trực thăng RAH-66 Comanche) nhưng nguyên mẫu đầu tiên đã được loại bỏ thiết kế này nhằm giảm trọng lượng và cải thiện hiệu năng cho máy bay.
Hệ thống vũ khí trên Bell 360 bao gồm pháo XM915 20mm 3 nòng kiểu Gatling được gắn dưới mũi và 2 dàn gắn tên lửa mỗi bên 4 quả.
Các mấu treo này lộ ra ngoài nhưng thực tế cơ chế của mấu treo có thể "thò thụt" giúp ẩn toàn bộ các tên lửa mang theo vào thân máy bay khi cần để tối ưu hiệu quả khí động học và hiệu năng vận hành.
Bell 360 có thể mang các tên lửa như AGM-114 Hellfire hoặc AGM-179 JAGM cũng như hệ thống ống phóng phổ dụng (CLT) MD 969. Hệ thống ống phóng này có thể được nạp nhiều loại tên lửa khác nhau hay drone cỡ nhỏ.
Trang bị tiêu chuẩn của MD 969 là 7 quả tên lửa AGM-176 Griffin.
Quân đội Mỹ yêu cầu dòng trực thăng trong tương lai có thể triển khai các hệ thống UAV phóng từ trên không.
Việc có thể điều khiển hay phóng UAV từ trên không là đòi hỏi cấp thiết của các dòng trực thăng tấn công trong tác chiến hiện đại.
Một khi phóng, các UAV sẽ có thể hoạt động theo bầy để thực hiện tấn công điện tử, tấn công rình rập, trinh sát và nhiều nhiệm vụ khác.
Bell 360 sẽ được trang bị động cơ chính T901 của General Electric nằm bên trái của thân, trong khi đó phía phải sẽ là động cơ PW207D1 của Pratt & Whitney đóng vai trò là động cơ phụ.
Máy bay có thể hoạt động với hai động cơ cùng lúc khi cần tăng tốc nhanh. Hoặc có thể hoạt động với chỉ một động cơ để tiết kiệm nhiên liệu hoặc khi một trong hai động cơ gặp lỗi, hoặc bị bắn hỏng.
Bell 360 dự kiến sẽ được cho thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào cuối năm nay, chúng được cho là có thể đạt tốc độ tối đa ít nhất là 333 km/h.
Quân đội Mỹ cho biết họ sẽ đánh giá và phân tích hai nguyên mẫu là Bell 360 Invictus và Raider X dự kiến thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào cuối năm 2023.
Sau đó họ sẽ chọn ra thiết kế thắng cuộc và bắt đầu loạt thử nghiệm thực địa vào năm 2028.
Trực thăng mới sẽ thay thế cho AH-64 Apache và OH-58D Kiowa Warrior trong quân đội Mỹ.