Dấu mốc 'thay đổi Hy Lạp'
Trải qua nhiều năm mệt mỏi với chính sách 'thắt lưng buộc bụng', người dân Hy Lạp đã quyết định tạo ra sự thay đổi thông qua việc gửi gắm lá phiếu vào một nhà lãnh đạo mới - thủ lĩnh đảng Dân chủ Mới Mitsotakis với hy vọng về một cuộc sống 'dễ thở' hơn.
Người thắng cuộc
Với 91% số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp (ngày 7-7), đảng đối lập Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ giành được 39,7% số phiếu ủng hộ, trong khi đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras nhận được 31,5% số phiếu bầu. Thủ tướng Tsipras đã thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của ông Kyriakos Mitsotakis - thủ lĩnh đảng Dân chủ Mới.
Như vậy, sau 4 năm hoạt động với tư cách đảng đối lập, đảng Dân chủ Mới bảo thủ của Hy Lạp đã quay trở lại nắm quyền. Với chiến thắng thứ ba liên tiếp tại các cuộc bầu cử trong vòng hơn 1,5 tháng qua, bao gồm bầu cử châu Âu cuối tháng 5 và bầu cử địa phương ngày 2-6, đảng Dân chủ Mới đã trở thành lực lượng chính trị số 1 tại Hy Lạp. Đảng này sẽ chiếm từ 155-167 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp, đủ sức tự thành lập chính phủ và thực thi các chính sách riêng của mình.
Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Mitsotakis hứa hẹn, khi lên nắm quyền sẽ giảm bớt gánh nặng thuế từ các chính sách khắc khổ và kích thích đầu tư tại Hy Lạp nhằm đạt tăng trưởng mạnh hơn. Ông cũng cam kết thương lượng với các chủ nợ châu Âu ngay khi chính phủ mới được thành lập và sẽ có kế hoạch cải tổ mạnh mẽ. Ông Mitsotakis khẳng định, chiến thắng này là một sự ủy thác mạnh mẽ để “thay đổi Hy Lạp”.
Đây có lẽ cũng là một kết cục cay đắng với ông Tsipras, người từng được ca ngợi như người hùng nhờ kéo Hy Lạp ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử nước này nhưng cũng phải nhận nhiều chỉ trích vì thực thi các biện pháp cải tổ và các chính sách thắt lưng buộc bụng quá khắc nghiệt với dân chúng.
“Các công dân đã đưa ra lựa chọn của họ. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng các phiếu bầu chiếm ưu thế. Cách đây không lâu, tôi đã liên lạc với Kyriakos Mitsotakis để chúc mừng ông ấy đắc cử”, ông Tsipras chia sẻ trong bài diễn văn chia tay.
Những điều thú vị
Cuộc tổng tuyển vừa qua cũng cho thấy một số điểm đáng lưu ý trong chính trường Hy Lạp hiện nay. Trước tiên phải nói đến sự trở lại của hệ thống quyền lực lưỡng đảng. Với việc Hy Lạp cuối cùng cũng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng mệt mỏi kéo dài suốt 10 năm, bối cảnh chính trị của đất nước dường như đã quay trở lại với cuộc đua song mã khi đảng thua cuộc là Syriza cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras đã thế chỗ đảng Pasok xã hội chủ nghĩa từng một thời hùng mạnh để làm nền cho đảng bảo thủ Dân chủ Mới của người chiến thắng trong ngày 7-7, ông Kyriakos Mitsotakis.
Đảng Dân chủ Mới và đảng Syriza đã cùng nhau giành được hơn 70% số phiếu, tỷ lệ chưa từng thấy kể từ năm 2009. Trong cuộc bầu cử năm 2012, vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính và tình hình chính trị chìm trong hỗn độn, hai đảng dẫn đầu chỉ giành được tổng cộng hơn 36% số phiếu.
Bên cạnh đó, một câu hỏi đặt ra rằng liệu Hy Lạp có tiếp nối truyền thống gia đình trị hay không khi thủ lĩnh đảng Dân chủ Mới Mitsotakis trở thành người tiếp theo bước vào chiếc ghế Thủ tướng Hy Lạp, chức vụ từng được cha và ông nội của ông đảm nhiệm. Cha của ông là Constantine, một trong những người làm việc lâu nhất trong nghị trường, từng giữ chức thủ tướng từ năm 1990 đến 1993.
Các mối liên kết gia đình của ông Mitsotakis chưa từng có tiền lệ, cháu họ của ông hiện cũng nắm chức vụ Thị trưởng Athens, Costas Bakoyannis kể từ cuộc bầu chọn hồi tháng 5 vừa qua. Mẹ của ông, bà Dora cũng từng là thị trưởng nữ đầu tiên nắm chức vụ này trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội 2004.
Có thể thấy, thành công của hai người đàn ông quyền lực gia đình ông Mitsotakis đã vượt trội những dòng họ Papandreou và Karramanlis trong lịch sử các gia tộc chính trị của đất nước này. Năm 2009, George Papandreou đã trở thành người thứ ba trong gia đình ông lên điều hành đất nước, sau cha ông là Andreas và ông nội là Georgios.
Sức hút của các bãi biển Hy Lạp có thể mê hoặc bất cứ ai khi đến với đất nước này và với chính người dân nơi đây. Câu chuyện về những bãi biển đông nghịt người trong ngày bầu cử cũng khiến người ta phải tranh luận. Những người được thăm dò ý kiến đã lo ngại về một làn sóng không đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa hè kể từ năm 1928. Sự quyến rũ của các bãi biển quả thực rất mạnh khi tỷ lệ không đi bỏ phiếu khoảng 42%. Tuy vậy, ông Mitsotakis đã rất giỏi trong việc kêu gọi người dân Hy Lạp đi bầu cử, dù nhiệt độ ngoài trời ở một số địa phương có thể lên đến 38 độ C.
Vị lãnh đạo bảo thủ phát biểu trong chiến dịch tranh cử: “Các bạn có đủ thời gian để đi biển và sau đó đi bỏ phiếu”. Một thập kỷ trước, gần 71% cử tri đã đi bỏ phiếu. Tại Hy Lạp, đây là việc làm bắt buộc và việc không đi bỏ phiếu có thể bị pháp luật trừng phạt, song các án phạt chưa bao giờ được áp dụng.
Giới lãnh đạo châu Âu hoan nghênh và tin tưởng thủ tướng mới của Hy Lạp sẽ dẫn dắt đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Trong thư chúc mừng gửi ông Mitsotakis, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết hoàn toàn tin tưởng vào năng lực cá nhân của ông Mitsotakis, một cựu sinh viên Đại học Havard và khả năng của người Hy Lạp để mở ra một chương mới tốt đẹp hơn.
Chia sẻ trên Twitter, Cao ủy phụ trách kinh tế EU Pierre Moscovici cũng chúc ông Mitsotakis may mắn trong việc đưa nền kinh tế Hy Lạp trở lại trên đôi chân của mình.
Đây là cuộc bầu cử quốc hội lần 6 tại Hy Lạp trong một thập niên qua và là lần đầu tiên cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu để bầu ra một chính phủ mới kể từ khi nước này thoát khỏi các gói cứu trợ tài chính của nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 8-2018.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/dau-moc-thay-doi-hy-lap-552815/