Đậu mùa khỉ có gây tử vong không?
Theo chuyên gia, bệnh này tuy khó lây lan hơn so với Covid-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 13/5 đến ngày 21/5/2022, trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi ngờ tại 12 quốc gia. Điều đáng nói là các nước này trước đó chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Để chủ động giám sát và kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu.
Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ
Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thông tin cho biết, mặc dù bệnh đậu mùa khỉ đang có xu hướng bùng phát khiến nhiều người lo lắng việc chẩn đoán bệnh, tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng cần kiểm tra, tầm soát bệnh. Chỉ nên thực hiện tầm soát bệnh đậu mùa khỉ nếu như:
Đang sống chung, làm việc chung với người bị bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Vừa đi du lịch đến một đất nước/khu vực đang xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ.
Bị cắn hoặc cào từ động vật bị nhiễm bệnh/nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Ăn các loài động vật không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm bệnh.
Sống ở các khu vực rừng nhiệt đới, có các loài vật nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sinh sống.
Để thực hiện chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, các bác sĩ sẽ thực hiện quy trình:
Tìm hiểu tiền sử bệnh
Các bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh xem đã tiếp xúc với người mắc bệnh hay chưa, từng mắc bệnh chưa hay có vừa đi qua các khu vực đang xuất hiện ca bệnh hay không,… Từ đó, sẽ xác định khả năng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ của bạn.
Xét nghiệm
Ở bước tiếp theo, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm PCR mẫu chất lỏng hoặc các vết thương trên da, từ đó phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể.
Sinh thiết
Cuối cùng, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết để xác định chính xác việc có nhiễm bệnh hay không.
Trong quá trình chẩn đoán, tầm soát bệnh thường sẽ không thực hiện xét nghiệm máu. Lý do là virus gây nên bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ lưu lại trong máu một thời gian ngắn, khó phát hiện và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây tử vong không?
Đến đây, có lẽ câu trả lời cho câu hỏi đậu mùa khỉ là gì phần nào đã rõ. Vậy người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có thể gặp các biến chứng gì. Theo các tài liệu, các biến chứng thường gặp của bệnh này như sau:
Nhiễm trùng máu.
Viêm mô não.
Viêm phế quản phổi.
Nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực.
Các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành từng mảng lớn.
Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh (trẻ em có tỷ lệ tử vong cao hơn). Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%.
Có thể nói, bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây lan giữa người với người hơn so với Covid-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp hay thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi bệnh có thể thuyên giảm và tự khỏi mà không cần điều trị.
Một số loại thuốc được cho là có thể điều trị đậu mùa khỉ có thể kể đến như: Thuốc kháng vi rút cidofovir, thuốc kháng vi rút mới tecovirimat, thuốc nghiên cứu brincidofovir (CMX001),… – Vốn là các loại thuốc có hoạt tính chống lại virus đậu mùa trên khỉ. Tuy nhiên, hiện chưa có loại thuốc nào được nghiên cứu hoặc sử dụng trong các vùng dịch để điều trị bệnh đậu khỉ.
Đặc biệt, ở người bệnh từng tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy vậy, các triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn, không diễn tiến nặng và ít nguy cơ để lại biến chứng, không cần can thiệp.
Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Dù chưa ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam nhưng việc phòng ngừa bệnh vẫn nên được chú trọng. Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh bao gồm:
Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ (động vật bị bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh,…).
Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Cách ly người có triệu chứng bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa. Chưa có vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể làm giảm đến 85% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật các thông tin bệnh.
Phạm Hiền