Đầu năm đi chợ cầu may
Mùng 2 Tết Nhâm Dần 2022, hoạt động mua bán tại các khu chợ trong tỉnh bắt đầu nhộn nhịp. Phiên chợ đầu tiên trong năm, cả người mua và người bán đều trong tâm thế cởi mở, vui vẻ, mong cầu một năm buôn bán thuận hòa, phát tài, phát lộc.
Đi chợ đầu năm đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt Nam từ xưa đến nay. Trước khi trao đổi hàng hóa, mọi người đều chọn mua lộc để mang may mắn về nhà.
Từ sáng sớm, lộc đã được bày bán ngay tại các lối ra vào cổng chợ thị xã Ayun Pa. Để tiện cho người mua, các gói lộc thường được chuẩn bị sẵn trong một bì bóng nhỏ. Người bán lộc thường là các bà, các mẹ đã lớn tuổi. Giá mỗi lộc dao động từ 10.000-15.000 đồng. Người bán và người mua thường không nói thách hay mặc cả. Thông thường lộc gồm 1 quả cau, 5 lá trầu, 1 gói muối nhỏ. Tùy theo nhu cầu của người mua, lộc có thể cho thêm ít vôi tôi, thuốc lá sợi, vỏ, rễ cây…
Dân gian quan niệm, miếng trầu là đầu câu chuyện, tượng trưng cho tình cảm gia đình keo sơn, gắn bó. Vì vậy, mua được lá trầu đẹp, quả cau ngon là rước được lộc tốt về nhà. Người mua sẽ chọn những quả cau non, xanh, tươi, lá trầu còn nguyên cuống, phẳng, không bị dập nát. Cũng theo người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại may mắn, đủ đầy, no ấm cho cả năm. Vì vậy, trầu, cau, muối là 3 sản phẩm không thể thiếu khi mua lộc đầu năm.
Là người có “thâm niên” trong việc bán lộc đầu năm, bà Nguyễn Thị Nụ (70 tuổi, phường Hòa Bình) tâm sự: “6 năm bán lộc tại chợ nên khách hàng của tôi hầu hết là người quen. Tôi thường hái trầu vào chiều ngày cuối năm, để nơi thoáng mát cho lá tươi. Riêng cau, tôi phải tìm mua từ ngày 25, 26 tháng Chạp với giá 5.000 đồng/quả. Thông thường, tôi bán lộc từ sáng mùng 2 đến mùng 6 Tết vì nhiều người về quê, không thể đi chợ sớm được. Tuy nhiên, mùng 2 bán được nhiều nhất, khoảng hơn 100 lộc”.
Đi chợ ngay sáng mùng 2 Tết, trước khi mua các nhu yếu phẩm thiết yếu cho bữa ăn của gia đình, bà Lê Thị Hồng (tổ 3, phường Đoàn Kết) ghé mua lộc đầu tiên. Bà cho hay: “Ngay từ nhỏ, tôi đã thường theo mẹ đi mua lộc đầu năm. Khi lập gia đình, tôi vẫn lưu giữ phong tục ấy của gia đình để cầu may mắn trong ngày đầu năm. Nhà có 5 trang thờ nên tôi chọn 5 quả cau, 5 lá trầu và 5 gói muối nhỏ. Ngoài cau, trầu, muối, tôi tìm mua thêm trái đu đủ và chùm quả sung. Hy vọng năm mới gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, đủ đầy”.
Sáng sớm mùng 2 Tết, các chợ truyền thống trên địa bàn thị xã An Khê cũng tấp nập cảnh bán buôn. Cùng với mua muối, trầu, cau để lấy may, nhiều người còn mua đậu hũ, đu đủ… Chị Hoàng Thị Sua từ làng Mông (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) ra chợ An Khê để mua sắm đầu năm. “Người Mông mình cúng từ ngày 29 đến mùng 2 Tết. Hôm nay mình mua nhiều thực phẩm làm mâm cơm trước cúng gia tiên, sau mời anh em, họ hàng chung vui sum vầy, đầm ấm. Món đậu hũ mình dâng ông bà, tổ tiên, cầu mong phù hộ cho gia đình, con cái học hành tiến tới, mùa màng bội thu”-chị Sua bộc bạch.
Nhanh tay lựa những lá trầu tươi xanh, đầy đặn, bà Trần Thị Quảng (tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Theo các cụ đầu năm mua cau, trầu và một chút vôi hồng để lấy hên, lấy lộc. Tôi mua thêm quả đu đủ mong cả năm sức khỏe, mọi điều may mắn đủ đầy”.
Những người bán hàng đầu năm mới cũng mong cầu cả năm buôn bán thuận hòa, phát tài, phát lộc. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) có gần 10 năm buôn bán trái cây tại chợ An Xuyên. Trong phiên chợ đầu tiên của năm, chị bán thêm muối, cau, trầu. “Tôi tranh thủ dọn hàng ra bán lấy ngày, mong cả năm buôn may bán đắt. Bán chút rồi tôi cũng mua đồ về cúng gia tiên và cùng gia đinh du xuân”-chị Thủy tâm sự.
Tương tự, sáng mùng 2 Tết, các khu chợ trên địa bàn huyện Kông Chro cũng bắt đầu mở phiên buôn bán đầu xuân. Không có cảnh kỳ kèo, trả giá, buổi chợ đầu năm tại đây diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, ấm áp. Ai cũng quan niệm rằng, đi chợ đầu năm không đơn thuần là bán-mua hàng hóa thường ngày mà còn có cả ý nghĩa cầu may.
Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ đầu năm ở huyện Kông Chro cũng khá phong phú, trong đó có những thứ không thể thiếu như muối, cau, trầu, cá lóc... Bà Bùi Thị Diệu Kính (làng Kuc Grmối, xã Đak Pơ Pho) cho hay: "Sáng mùng 2 Tết năm nào, tôi cũng ra vườn hái ít lá trầu, quầy cau để đem ra chợ trung tâm huyện bán. Vì bán lấy may đầu năm nên tôi luôn lựa những lá, quả xanh và đẹp nhất. Giá bán mỗi quả cau là 10 ngàn đồng, kèm theo 1 lá trầu và vôi. Mọi người mua rất nhanh gọn, còn mừng tuổi cho tôi nữa. Không khí mua bán đầu năm khá vui vẻ". Vừa nhanh tay bắt cá vào bì cho khách, bà Nguyễn Thị Liên-tiểu thương tại chợ trung tâm huyện Kông Chro-vừa vui vẻ nói: “Đầu năm mọi người thường có tục đi chợ mua cá lóc về thả nuôi trong nhà để mong cầu sự nhanh nhẹn, mau mắn cho cả năm. Vì thế, tôi nhập nhiều loại cá này về bán với giá 95 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, cá điêu hồng, trắm cỏ, tôm sống... cũng được nhiều khách mua trong phiên chợ mùng 2 Tết”.
Năm nào cũng vậy, mới 6 giờ sáng ngày mùng 2 Tết, bà Hà Thị Ngọc (76 tuổi ở 46 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) cũng mang muối, trầu, cau ra trước cổng Trung tâm thương mại Pleiku bày bán cho người đi lễ chùa hay du xuân. “Bán muối đầu năm, tôi thường đong vào một chén đầy bởi theo quan niệm xưa, chén muối có ngọn mới mang lại sự trọn vẹn, giúp cả năm may mắn, no đủ. Bán buôn ngày Tết cũng có nhiều niềm vui vì ai cũng hoan hỉ, không mặc cả như ngày thường, đôi khi còn được khách hàng mừng tuổi”-bà Ngọc nói.
Tập tục mùng 2 Tết đi chợ đầu năm không biết có từ bao giờ nhưng ngay từ khi còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 5, xã Diên Phú, TP. Pleiku) đã thấy cha mẹ thường đi chợ mua muối, trầu, cau và một số thứ cần thiết khác. “Đến bây giờ, gia đình tôi vẫn giữ truyền thống đầu năm đi chợ mua muối và nhắc nhở con cháu về tập tục tốt đẹp đầy ý nghĩa ấy. Qua buổi chợ, tôi mong muốn giữ được sự ấm áp của gia đình, tình cảm ngày một đậm đà, gắn kết hơn”-chị Hoa tâm sự.
Cũng trong tâm thế đi chợ cầu may đầu năm, chị Nguyễn Thị Mai Linh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Đầu tiên tôi chọn mua trầu, cau, muối và đu đủ. Những lá trầu, quả cau được xem như món lộc đầu năm để cầu may mắn cho bản thân và gia đình trong năm mới. Muối đem lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái”.
Không có có cảnh kỳ kèo, trả giá, buổi chợ đầu năm thường diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, ấm áp. Bà Nguyễn Thị Hoa-tiểu thương ở chợ Trà Bá (TP. Pleiku) bày tỏ: “5 giờ sáng mùng 2 Tết năm nào cũng thế, tôi ra vườn cắt hoa lay ơn rồi đem ra chợ bán. Ngày thường thì tôi bán thêm hàng rau, củ, quả, riêng ngày Tết bán hoa, trầu cau, muối, đu đủ và thêm ít rau xanh. Mùng 2 Tết chủ yếu bán lấy lộc nên không nói thách, người mua cũng không trả giá. Phiên chợ ngày mùng 2 Tết có ý nghĩa như thế”.
Theo quan sát, ngoài trầu, cau, muối, hàng hóa phiên chợ mùng 2 Tết chủ yếu của người dân trong vùng làm ra. Chị Kpuih Luynh (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho hay: “Mình thấy mùng 2 Tết người dân thường đi chợ cầu may nên bà con trong làng cũng tranh thủ mang rau xanh tự trồng ra chợ bán, chủ yếu là cải cúc, cải xanh, xà lách, rau mùi, súp lơ”.
Theo ghi nhận của P.V, giá cả các mặt hàng đầu năm ở chợ ít biến động, chỉ tăng nhẹ khoảng 10%. Hầu hết các khu chợ đều họp vào buổi sáng và chỉ đông đúc vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, không khí cũng rất rộn ràng và đậm chất xuân với những lời chúc tốt đẹp trao nhau trong năm mới. "Sáng nay tôi tranh thủ ghé chợ mua cá lóc, muối với mong muốn cuộc sống gia đình gặp nhiều may mắn, mặn mà cả năm. Tôi cũng mua cau trầu lấy lộc và ít thực phẩm, rau củ để làm mâm cơm cúng ông bà. Năm nay vì dịch Covid-19 còn phức tạp nên cả nhà chỉ quây quần đón Tết tại gia. Dẫu vậy cũng rất sum vầy và ấm cúng"-chị Trần Thị Hậu (tổ dân phố Plei Ktoh, thị trấn Kông Chro) bày tỏ.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202202/dau-nam-di-cho-cau-may-5765250/