Đầu năm đi lễ hội Tịch điền ở Đọi Sơn
Năm nay là năm thứ 12 Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) được phục dựng theo tích Vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan tổ chức cày Tịch điền lần đầu tiên dưới chân núi Đọi vào năm Đinh Hợi 987.
Năm 2020 là năm thứ 12 lễ Tịch điền ở Đọi Sơn được phục dựng.
Lễ Tịch điền đầu tiên còn thấy trong sử sách Việt Nam được ghi lại trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”. Sách nói, mùa xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đã cùng văn võ bá quan cày ruộng ở núi Đọi, nhà vua bắt được chum vàng. Năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền (ruộng vàng, ruộng bạc).
Đến thời Lý - Trần, lễ này được tổ chức long trọng hơn, trở thành một trong những lễ hội mùa xuân của đất nước. Vua Lý Thái Tông là người rất chăm lo nông nghiệp nước nhà, nhiều lần tự mình xuống cày. Một số quan lại không ưa việc vua đi làm ruộng như chuyện chép ở sách “Việt sử lược”, trang 259 ghi: “Mùa xuân tháng 2 năm Mậu Dần 1038, vua ngự ra Bố Hải cày ruộng Tịch điền. Vua sai Hữu ty dọn cỏ đắp đàn rồi thân tế Thần Nông, tế xong, vua tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế? Vua nói: Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo? Nói xong vua đẩy cày ba lần rồi thôi”.
Sử gia Ngô Sĩ Liên nói: “Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng Tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay”.
Đến đời Trần, do bận việc giữ nước, chống ngoại bang nên lễ cày Tịch điền không hưng thịnh như trước. Đến các thời nhà Hồ, thì hầu như phong tục này không còn được giữ.
Đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền được quy định cụ thể, tổ chức quy mô, do Bộ Lễ chủ trì. Ý nghĩa của lễ Tịch điền được vua Thiệu Trị thể hiện trong bài “Thường Mậu quan canh”, nhân một lần lên đài quan canh xem các quan cày ruộng: “Chót vót lầu cao giữa khoảng không/ Nhìn xa quang cảnh chốn nương đồng/ Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy/ Năm tháng thương người trọng việc nông”.
Đến thời vua Khải Định thì lễ này chấm dứt. Đến năm 2009, lần đầu tiên Lễ Tịch điền được khôi phục tại xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.
Theo lệ canh tác của dân cư vùng đồng bằng sông Hồng, đầu xuân có lễ cúng Thần nông (vị thần cai quản nông nghiệp), dân gian đều làm lễ Hạ điền (xuống đồng). Thửa ruộng nào do nhà vua tự mình xuống cày thì gọi là “tịch điền” (chữ “tịch” nghĩa là giẫm, xéo).
Nghi lễ theo sử sách ghi lại, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày 3 sá (ba đường cày), sau đó đến các vị hoàng công thân phiên, chỉ những người chức cao bổng hậu mới được tham dự, cày 5 sá; bá quan văn võ mỗi người cày 9 lần, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn và lão nông... lần lượt cho đến khi kết thúc.
Lễ hội Tịch điền phục dựng thì được tiến hành theo thứ tự: Vua Lê Đại Hành (do một vị bô lão của làng Đọi nhập thế, khoác long bào) cày 3 sá, lãnh đạo trung ương, và cấp tỉnh cày 5 sá, lãnh đạo huyện cày 7 sá, lãnh đạo xã và các bô lão cày 9 sá.
Nước ta có hàng nghìn năm trồng lúa, lễ Tịch điền là một sinh hoạt văn hóa quan trọng, thể hiện nét đẹp trong tâm thức của người dân đối với lao động và quan niệm “dĩ nông vi bản”, lấy cây lúa, hạt thóc làm quan trọng, đề cao sản xuất nông nghiệp, mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc. Lễ Tịch điền đầu năm mở ra những hy vọng về một mùa màng bội thu, no ấm.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-nam-di-le-hoi-tich-dien-o-doi-son-post73130.html