Dầu Nga đang 'tỏa' ra thế giới nhưng giá trần vẫn cùng lúc đạt hai mục tiêu

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách mảng chính sách kinh tế Ben Harris cho rằng, biện pháp áp giá trần với dầu thô Nga đang mang lại hiệu quả.

Biện pháp áp giá trần với dầu thô Nga đang phát huy hiệu quả. (Nguồn: Getty Images)

Biện pháp áp giá trần với dầu thô Nga đang phát huy hiệu quả. (Nguồn: Getty Images)

Ông Ben Harris cho rằng, biện pháp áp giá trần tạo ra động cơ rõ ràng cho các nhân tố chủ chốt trên thị trường dầu mỏ - đó là Nga, các nước nhập khẩu dầu và các người chơi tham gia thị trường - về việc tiếp tục duy trì dòng dầu thô của Nga nhưng với mức giá thấp.

Ông Harris nhấn mạnh: “Giá trần giúp đạt hai mục tiêu cùng lúc”.

Dầu thô Nga vẫn đang tỏa ra các thị trường toàn cầu, nhưng khách mua đang chi trả mức giá thấp hơn, khiến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga bị suy giảm, trong khi đây là nguồn thu chính cho ngân sách của Nga. Đó chính là mục tiêu kép của đòn áp giá trần mà chính quyền Mỹ đã dự kiến - giúp thị trường dầu mỏ duy trì nguồn cung ổn định và giảm doanh thu xuất khẩu của Nga.

Đến thời điểm này, hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn đứng vững, xóa tan đi những kỳ vọng ban đầu về đà suy yếu của nguồn cung sau khi phương Tây đồng ý áp cấm vận với dầu mỏ của Nga, nhằm giảm doanh thu từ xuất khẩu năng lượng.

Nhưng thu ngân sách của Nga đang suy giảm, do giá dầu thô phẩm cấp hàng đầu của Nga là Urals đứng ở mức thấp, với mức giá chiết khấu thấp hơn dầu Brent Biển Bắc 30 USD/thùng.

Theo số liệu ban đầu mà Bộ Tài chính Nga đưa ra, do dầu Urals xuống giá, Nga rơi vào thâm hụt ngân sách 24,7 tỷ USD trong tháng 1/2023, khi doanh số xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt trong tháng giảm 46,4%.

Doanh số xuất khẩu năng lượng, bao gồm cả thuế và nguồn thu hải quan, trong tháng Một rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020.

Đầu tháng này, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3, do hệ quả của lệnh cấm vận phương Tây kết hợp với biện pháp áp giá trần nhằm vào dầu thô xuất khẩu của Nga.

Ông Henning Gloystein, Giám đốc bộ phận năng lượng tại tổ chức nghiên cứu Eurasia Group (Mỹ) nhận định, biện pháp áp giá trần và cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) đã khiến việc chuyển đổi dòng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Nga buộc phải bán dầu thô tới các khu vực mà trong điều kiện bình thường của thị trường sẽ không thực sự mang lại lợi nhuận do mức chi phí vận chuyển bị đội lên.

Vị chuyên gia này nói: "Châu Âu sẽ phải mua dầu và sản phẩm xăng dầu từ các đối tác ngoài Nga mà bình thường họ sẽ không lựa chọn. Tuy nhiên, các biện pháp này cho đến nay chưa gây ra sự đứt gãy lớn với dòng chảy của dầu thô và sản phẩm xăng dầu đến mức kích hoạt leo thang giá hoặc thiếu hụt năng lượng cấp độ khu vực".

(theo Oil Price)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-nga-dang-toa-ra-the-gioi-nhung-gia-tran-van-cung-luc-dat-hai-muc-tieu-218096.html