Dầu Phong thấp Trường Thọ không phép, không chuẩn, không an toàn
Sản phẩm 'Dầu phong thấp Trường Thọ' vừa bị Bộ Y tế xác định là thuốc giả, sản xuất tại cơ sở không phép, không đạt chuẩn và tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng. Người dân được cảnh báo không sử dụng và cần báo ngay cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm nghi ngờ.
Sở Y tế Nghệ An vừa phát đi thông báo cảnh báo người dân về sản phẩm “Dầu phong thấp Trường Thọ” bị phát hiện là thuốc giả, không đảm bảo điều kiện sản xuất và không được phép lưu hành trên thị trường.

Ảnh minh họa.
Theo Công văn số 925/YDCT-QLD ngày 20/6/2025 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), sản phẩm “Dầu phong thấp Trường Thọ” mang số đăng ký V1045-H12-10, số lô 010722 (hạn dùng 1/7/2025), do Cơ sở dầu gió Trung Tâm tại địa chỉ 180 Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8, TP.HCM sản xuất, đã bị xác định là thuốc giả.
Qua kiểm tra, cơ sở này không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, không đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) theo quy định của Bộ Y tế.
Trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Sở Y tế Nghệ An khuyến cáo các cơ sở khám chữa bệnh, các nhà thuốc và người dân không mua bán, sử dụng lô thuốc trên.
Đồng thời, người dân cần chủ động báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc nghi ngờ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu là thuốc giả. Chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép và có đầy đủ chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Về vấn nạn thuốc giả, theo TS.Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), một trong những nguyên nhân chính khiến thuốc giả và thuốc kém chất lượng vẫn tồn tại là do chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ.
Mức xử phạt hành chính hiện nay đối với các hành vi sản xuất và buôn bán thuốc giả chưa đủ sức răn đe. Có những trường hợp, giá trị lô thuốc giả chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng mức phạt cũng chỉ dừng ở vài triệu đồng, điều này khiến các đối tượng vi phạm không ngần ngại tái diễn hành vi.
Bên cạnh việc đề xuất tăng mức xử phạt, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan như Quản lý Thị trường, Công an để điều tra, truy quét các đường dây sản xuất, phân phối thuốc giả. Một ví dụ điển hình là vụ việc xảy ra tại Thanh Hóa.
Sau khi phát hiện thuốc giả, Sở Y tế địa phương đã báo cáo Bộ Y tế, từ đó triển khai chuyên án điều tra và triệt phá thành công đường dây sản xuất thuốc giả với sự vào cuộc của nhiều lực lượng chức năng.
Để tăng cường hiệu quả quản lý dược, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đặc biệt giám sát chặt chẽ các kênh phân phối qua mạng xã hội và thương mại điện tử.
Song song đó, Bộ đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuốc đã được cấp phép lưu hành nhằm hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao tính minh bạch trong quản lý.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đặc biệt chú trọng đến việc truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ thuốc giả. Người dân được khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định và chưa có phép lưu hành chính thức. Chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở y tế, nhà thuốc đạt chuẩn, được giám sát thường xuyên bởi cơ quan chức năng.
Một trong những khó khăn hiện nay là năng lực kiểm nghiệm thuốc tại địa phương còn hạn chế. Ước tính có khoảng 30% hoạt chất trong thuốc chưa thể kiểm tra tại các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh do thiếu trang thiết bị chuyên dụng.
Để khắc phục, Bộ Y tế đã yêu cầu các trung tâm kiểm nghiệm quốc gia và địa phương đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp dược áp dụng công nghệ tem chống giả, hệ thống truy xuất điện tử để tăng hiệu quả kiểm soát.
Với sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, hệ thống y tế và nhận thức chủ động từ phía người dân, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ từng bước đẩy lùi tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân một cách hiệu quả và bền vững.