'Đầu ra' cho nông sản: Cung chưa gặp cầu

Nhiều mặt hàng nông sản của người dân ở thời điểm chính vụ thường bị rớt giá và không có thị trường tiêu thụ ổn định.

Các mặt hàng rau, củ, quả bày bán tại Siêu thị GO! (TP. Thái Nguyên) chủ yếu được nhập từ ngoài tỉnh.

Các mặt hàng rau, củ, quả bày bán tại Siêu thị GO! (TP. Thái Nguyên) chủ yếu được nhập từ ngoài tỉnh.

Trước đây, bưởi Diễn là loại quả được thị trường ưa chuộng. Thêm nữa, bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, ít vốn, chỉ khoảng 3 năm là bắt đầu cho thu hoạch, nên nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển diện tích đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng bưởi chuyên canh ở xã Tiên Hội, Hoàng Nông (Đại Từ); xã Tràng Xá, Lâu Thượng (Võ Nhai)…

Tuy nhiên, bưởi chỉ bán được ở giá cao 20-30 nghìn đồng/quả trong vòng 1-2 năm đầu. Từ năm 2021 đến nay, do bà con trồng đại trà, sản lượng tăng vọt, cung vượt cầu khiến giá bưởi rơi xuống mức thấp, chỉ đạt 5-10 nghìn đồng/quả, lại rất khó tiêu thụ. Giá bán thấp trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao, nên một số hộ trồng bưởi đã không còn “mặn mà” với loại cây trồng này.

Tương tự, đối với quả nhãn, vài năm trước có giá bán 20-30 nghìn đồng/kg, nhưng 3 năm trở lại đây đã giảm dần và năm nay chỉ đạt 7-10 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thắng, ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), chia sẻ: Giá nhãn dưới 10 nghìn đồng/kg thì bà con chúng tôi không có lãi, vì còn phải tỉnh chi phí công chăm sóc, phân bón, thuê người hái… Giá nhãn thấp lại đậu ít quả nên nhiều hộ dân trong xóm đã phá bỏ cây nhãn và chuyển sang trồng chuối tiêu hồng.

Với một số loại nông sản khác, như: ổi, vải, rau, củ các loại… cũng thường rớt giá khi thu hoạch vào thời điểm chính vụ. Đơn cử như với cây rau, diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm đạt 14.700ha, sản lượng đạt trung bình trên 260 nghìn tấn. Sản lượng rau tiêu thụ trong tỉnh chiếm khoảng 85-90%. Tuy nhiên, do sản lượng rau phân bố không đều, ở vụ đông xuân thường xảy ra tình trạng "được mùa mất giá", nhất là đối với nhóm rau ăn lá, cà chua, cà rốt…

Bà con nhân dân xã Phú Thượng (Võ Nhai) hiện đang trồng na rải vụ, góp phần giảm áp lực tiêu thụ vào thời điểm chính vụ.

Bà con nhân dân xã Phú Thượng (Võ Nhai) hiện đang trồng na rải vụ, góp phần giảm áp lực tiêu thụ vào thời điểm chính vụ.

Thực tế, do không có đầu ra ổn định nên người dân chưa chuyên tâm đầu tư thâm canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Thu nhập của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng do các mặt hàng nông sản giảm giá, trong khi giá vật tư nông nghiệp, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất đều tăng. Cùng với đó, tình hình sản xuất nông nghiệp những năm gần đây gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu, điệp khúc "được mùa mất giá" luôn là điều trăn trở đối với nhiều hộ nông dân.

Trong khi các hộ sản xuất còn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, thì nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh lại chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ địa phương.

Theo bà Ngô Thị Lý, Giám đốc Siêu thị GO! Thái Nguyên: Hiện nay, chúng tôi mới chỉ có 2 sản phẩm là miến Việt Cường và chè Thái Nguyên được bày bán trong siêu thị. Chúng tôi rất muốn liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn để nhập nguồn hàng rau, củ, quả với số lượng và giá cả ổn định. Tuy nhiên, theo quy định, để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa có đơn vị nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, nên chúng tôi vẫn phải nhập từ nơi khác về bán.

Trên địa bàn tỉnh hiện có các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ ở hầu khắp các huyện, thành phố, cộng với các khu công nghiệp, trường đại học và bếp ăn tập thể của các cấp học, bệnh viện… Do đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tương đối lớn. Đây là thị trường tiềm năng và lợi thế của ngành Nông nghiệp Thái Nguyên.

Để giúp người dân có đầu ra nông sản ổn định, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Thái Nguyên cần có chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn, thông qua liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối tiêu thụ.

Cùng với đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ; tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu.

Đối với các hợp tác xã cần có đơn vị đầu mối đứng ra phân phối và lưu thông sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, là địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Còn đối với các hộ sản xuất, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết sản xuất, gắn với xây dựng thương hiệu, tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, mã định danh đối với các vùng sản xuất nông sản có tiềm năng xuất khẩu...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202310/dau-ra-cho-nong-san-cung-chua-gap-cau-fe27318/