Đâu rồi Hà Nội FC vô đối?
Chỉ trong 5 ngày, ĐKVĐ V.League và Cúp quốc gia (QG) Hà Nội FC nhận hai thất bại liên tiếp trên sân Hàng Đẫy. Với trận thua 1-2 trước Viettel ở vòng 1/8 Cúp QG, Hà Nội FC đã không thể bảo vệ được danh hiệu đầu tiên.
Đáng chú ý, đây mới là lần thứ 2 họ là bại tướng trong 10 trận derby thủ đô và là lần đầu tiên phải sớm dừng bước ở Cúp QG sau 4 kỳ liên tiếp gần đây đều vào chung kết (trong đó có 3 lần vô địch). Tính chung kể từ đầu mùa, Hà Nội FC đã nhận 4 thất bại (3 ở V.League). Không khủng hoảng đến mức như mùa giải 2021 (sau 12 vòng đấu nhận 6 thất bại, đứng thứ 7), nhưng đây rõ ràng là sự sa sút của CLB giàu thành tích nhất Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Với kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” 3 năm thăng 3 hạng, xưng vương ngay mùa thứ 2 xuất hiện ở V.League; Hà Nội T&T và Hà Nội FC hiện tại đang sở hữu kỷ lục 6 chức vô địch QG, 5 á quân, 1 HCĐ cùng 3 chiếc Cúp QG và 5 Siêu cúp QG. Nhưng từ đội bóng có lúc gần như vô đối, từ năm rồi, dù vẫn đoạt “cú ăn 3”, Hà Nội FC đã không còn là con “ngáo ộp”. Nếu trước đây các đối thủ gặp đội bóng thủ đô “chưa đánh đã hàng” thì giờ đây đã nghĩ đến việc lấy điểm (điển hình là Thanh Hóa, SLNA). Điều gì đã xảy ra?
Trước hết, xét về lực lượng, Hà Nội FC suy giảm rất nhiều khi mất 2 ngôi sao Quang Hải, Văn Hậu; 2 thủ lĩnh Văn Quyết và Hùng Dũng thì người bị treo giò, người lên bàn mổ; hàng loạt trường hợp thay phiên nhau chấn thương (Lê Văn Xuân, Văn Kiên, Thái Quý, Xuân Tú, Thành Chung…), cựu binh sa sút (Duy Mạnh. Minh Tuấn). Nhưng quan trọng nhất là CLB thừa tiềm lực, tham vọng nhưng những bản hợp đồng ngoại binh của Hà Nội FC 2 mùa qua đều gây thất vọng Các cầu thủ Đông Âu, Brasil như: Lucao, Tonci, Siladi, Marcos Antonio, Caion, Jevtovic, Murzaev Mirlan… đều không thể sánh bằng, hoặc không thể hòa nhập so với những Moses, Rimario, Pape Omar, Oseni, Samson, Gonzalo… trước đây.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là sự mất phương hướng trong lối chơi. Từ một CLB giàu bản sắc nhất với những màn phô diễn kỹ thuật nhỏ, nhuyễn, ban bật, đập nhả ưa nhìn và hiệu quả như “Barca Việt Nam”; Hà Nội FC hôm nay đá dài, chuyền bổng, dùng sức mạnh nhiều hơn. Đây là hệ quả sau 2 triều đại hoàng kim của HLV Phan Thanh Hùng và Chu Đình Nghiêm, 3 năm qua, CLB đã thay đến 3 HLV ngoại, từ Hàn Quốc hóa với Park Choong-kyun, Chun Jae-ho và mùa này là Bozidar Bandovic.
HLV 54 tuổi người Montenegro từng đưa Buriram United 2 lần vô địch Thái Lan 2018, 2019 với kỷ lục số điểm cao nhất và mạch thắng liên tiếp nhiều nhất (15 trận), là HLV xuất sắc nhất Thai League 2018. Có gì đó khá giống giữa “Hà Nội - Bandovic” với “đội tuyển Việt Nam và U.22 - Troussier” về bước “quá độ” trong chuyển đổi lối chơi. Cả 2 HLV đều rất mạnh dạn tạo điều kiện cho các nhân tố mới, trẻ. Tại Hà Nội FC, những tuyển thủ U.22 Nguyễn Văn Tùng. Văn Trường, Tiến Long hay Đậu Văn Toàn, gần đây là Đức Anh, được thường xuyên ra sân.
Tuy nhiên, về triết lý lối chơi, 2 HLV châu Âu xem ra trái ngược nhau. Nếu HLV người Pháp trên đội tuyển đề cao kiểm soát bóng, phối hợp nhóm theo tuyến thì HLV Bandovic dường như muốn từ bỏ sở trường vốn đã là thương hiệu của Hà Nội FC để chuyển sang chơi tốc độ, trực diện, lật cánh đánh đầu nhằm tiếp cận cầu môn đối phương một cách nhanh nhất.
Cái gì rồi cũng đến lúc cũ mòn phải thay đổi, làm mới. Hà Nội FC hiện có thể ví như một chân dung mới phác thảo, chưa đủ cả thời gian và chất liệu để hoàn thiện. Nhưng bức tranh mới có phù hợp? Và dù người thủ đô vẫn biết “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng liệu “bầu” Hiển có đủ kiên nhẫn chấp nhận một mùa giải trắng tay khi hợp đồng với HLV Bandovic chỉ có thời hạn 1 năm?
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202307/dau-roi-ha-noi-fc-vo-doi-3171036/