Dầu tăng giá vì lo ngại EU bổ sung đòn trừng phạt Nga

Giá dầu tăng cao do những lo ngại về việc châu Âu thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, giá vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hồi tháng trước.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 5/4, giá dầu Brent tăng 1,22 USD/thùng, tương đương 1,06% so với 24 giờ trước đó lên 108,7 USD/thùng. Còn giá dầu WTI tăng 1,18% so với một ngày trước đó lên mức 104,4 USD/thùng.

"Giá dầu tăng cao do những lo ngại về việc châu Âu thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga", ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính cấp cao, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA - giải thích với Zing.

Giá dầu thô Brent liên tục trồi sụt trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: Trading Economics.

Giá dầu thô Brent liên tục trồi sụt trong vòng 7 ngày qua. Ảnh: Trading Economics.

Lo ngại xung đột leo thang

Theo ông Halley, nếu châu Âu nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, nguồn cung toàn cầu sẽ bị thắt chặt hơn nữa. Thị trường eo hẹp có thể đẩy giá lên cao.

Cụ thể, cuộc xung đột có thể leo thang sau khi Ukraine cáo buộc Nga sát hại gần 300 dân thường vô tội ở Bucha. Điều này có khả năng đẩy lùi kỳ vọng về các đàm phán hòa bình và gia tăng nguy cơ từ những lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga.

Tuy nhiên, Nga khẳng định không hề có hành động bạo lực với dân thường trong thời gian kiểm soát thị trấn gần thủ đô Kyiv này.

Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sau những hành động tàn bạo mới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa thông báo trên Twitter về “các biện pháp trừng phạt bổ sung của EU".

 EU có thể bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sau những hành động tàn bạo mới. Ảnh: Reuters.

EU có thể bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sau những hành động tàn bạo mới. Ảnh: Reuters.

EU cũng đang tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Hôm 2/4, Lithuania cho biết đã ngừng mua khí đốt tự nhiên của Nga. Lithuania không phải một khách hàng lớn. Do đó, điều này không mấy ảnh hưởng tới ngân sách của Nga.

Tuy nhiên, với tư cách một thành viên của EU, động thái của Lithuania có sức ảnh hưởng lớn. Đến ngày 3/4, bà Christine Lambrech - Bộ trưởng Quốc phòng Đức - cho rằng EU nên cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga.

Dù vậy, ông Halley tại hãng OANDA nhận định kịch bản châu Âu cấm hoàn toàn năng lượng Nga khó có thể xảy ra. "Tôi cho rằng giá dầu Brent sẽ vẫn dao động trong vùng 100-120 USD/thùng trong những tuần tới. Còn dầu WTI được giao dịch quanh 95-115 USD/thùng", ông nhận định.

Xa rời mức đỉnh

Trên thực tế, giá dầu đã giảm đáng kể từ mức đỉnh hồi tháng trước, sau khi Nga phát động cuộc chiến tại Ukraine. Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) tại UK & EMEA OANDA, giá dầu quay đầu giảm trong những tuần qua bởi các đợt phong tỏa ở Trung Quốc và việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí xả kho dầu.

Cụ thể, tại cuộc họp cấp bộ trưởng bất thường của IEA hôm 1/4 do Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm chủ trì, các đồng minh của Mỹ đã nhất trí xả kho dầu nhằm hạ nhiệt thị trường.

IEA cho biết thông tin chi tiết về quyết định sẽ được công bố trong những ngày tới. Tổng lượng dầu trong kho dự trữ khẩn cấp của 31 thành viên IEA là 1,5 tỷ thùng.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cho biết sẽ xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng vài tháng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine.

Giá dầu vẫn ở ngưỡng cao, nhưng nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu đã giảm đi đáng kể. Giá dầu WTI và dầu Brent có thể giảm sâu hơn nữa sau khi IEA công bố thông tin chi tiết về quyết định xả kho dầu

Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) tại UK & EMEA OANDA

"Đó chỉ là một giải pháp tạm thời, nhưng vẫn mang lại bước đệm trong vòng 6 tháng tới khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) vẫn thờ ơ với lời kêu gọi của Mỹ và từ chối gia tăng sản lượng", ông Erlam nhận định.

"Giá dầu vẫn ở ngưỡng cao, nhưng nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu giảm đi đáng kể. Giá dầu WTI và dầu Brent có thể giảm sâu hơn nữa sau khi IEA công bố thông tin chi tiết về quyết định xả kho dầu", vị chuyên gia dự báo.

Cùng với đó là các lệnh phong tỏa của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn. Cách chống dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh có thể đè nặng lên nhu cầu dầu đối với những hoạt động như đi lại, sản xuất, vận chuyển, từ đó cản trở đà tăng của giá dầu.

Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) trong tháng 3 của Trung Quốc chỉ ra hoạt động của các nhà máy tại trung tâm công nghệ - thương mại Thâm Quyến và thành phố ôtô Trường Xuân đã bị cắt giảm.

Nhu cầu dầu cũng có thể bị đè nặng khi Thượng Hải - thành phố có cảng container lớn nhất thế giới - bị áp đặt lệnh phong tỏa. Cuối tuần trước, chính quyền thành phố đã bổ sung các hạn chế ở nhiều khu vực. Cảng Thượng Hải phải hứng chịu sự gián đoạn lớn.

"Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine vẫn là rủi ro lớn có thể đẩy giá tăng mạnh", ông Erlam cảnh báo.

Còn theo chuyên gia Halley, cho đến khi OPEC+ tăng sản lượng, khoảng cách cung - cầu vẫn sẽ lớn.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-tang-gia-vi-lo-ngai-eu-bo-sung-don-trung-phat-nga-post1307527.html