Đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng: Có hạ nhiệt được thị trường?

Sáng nay (23/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến tổ chức đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với mức giá tham chiếu chỉ thấp hơn giá mua vào của các doanh nghiệp vỏn vẹn 300.000 đồng/lượng, việc kéo giá vàng trong nước xuống như kỳ vọng sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

Thị trường vàng “ngóng” phiên đấu thầu

Thông tin đấu thầu vàng miếng SJC được NHNN phát đi từ ngày 19/4 nhưng, sáng 22/4, đơn vị này thông báo lùi lịch sang ngày 23/4 với lý do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định. Theo thông báo mới, phiên đấu thầu bán ra số lượng không đổi, 16.800 lượng vàng, nhưng đặt cọc còn 80,7 triệu đồng/lượng (giảm 1,1 triệu so với thông báo trước đó).

Thị trường vàng chờ kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 23/4. Ảnh: Như Ý

Thị trường vàng chờ kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 23/4. Ảnh: Như Ý

Khối lượng đấu thầu tối thiểu 1 thành viên được phép đặt thầu: 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa 1 thành viên được phép đặt thầu: 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu: 10.000 đồng/lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu, bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.

Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đấu thầu vàng phải đáp ứng điều kiện theo Thông tư 06/2013 của NHNN quy định về hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước. NHNN cũng lưu ý, nếu không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN thì sẽ hủy kết quả thầu.

Thị trường vàng ngày 22/4 biến động bất thường, đặc biệt là vàng miếng SJC. Theo đó, các doanh nghiệp nới rộng khoảng cách giá mua vào - bán ra để giảm rủi ro. Vàng miếng SJC có thời điểm giảm 1 triệu đồng/lượng, về mốc 83 triệu đồng/lượng. Cuối phiên giao dịch cùng ngày, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 81 - 83,5 triệu đồng/lượng. Khoảng cách mua vào - bán ra tăng lên 2,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn các thương hiệu vẫn giữ quanh mốc 76 triệu đồng/lượng. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết nhẫn tròn trơn 74,68 - 76,38 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Chênh lệch mua vào - bán ra 1,7 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 74 - 76 triệu đồng/, chênh lệch mua vào - bán ra 2 triệu đồng/lượng.

Ngày 22/4, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng lên mức 24.272 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, giá sàn và giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại hôm nay là 23.059 - 25.485 đồng/USD. Giá USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lên hết mức cho phép. Cụ thể, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 25.175-25.485 đồng mua vào - bán ra, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước.

Giá vàng khó giảm mạnh do giải pháp tình thế

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính độc lập Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu vàng như thông báo của NHNN không hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh vàng vào thời điểm này. Theo ông Phương giá vàng miếng SJC đang cao trong khi số lượng tối thiểu doanh nghiệp được mua chỉ có 1.400 lượng. Với số lượng vàng này mà giá cọc lên tới 80,7 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn giá mua vào 300.000 đồng/lượng trên thị trường sẽ khiến doanh nghiệp gặp “rủi ro”. “Bản thân các doanh nghiệp không dám ôm vàng vào thời điểm này. Theo tôi, số lượng đấu giá 16.800 lượng khó thành công”, ông Phương nói.

Ông Phương dự đoán chỉ có khoảng 5.000 lượng vàng sẽ đấu giá thành công với giá trúng thầu 82 triệu đồng/lượng. Sau đấu thầu, giá vàng SJC chỉ giảm về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng và sẽ không thể thấp hơn. Trừ khi giá vàng thế giới giảm mạnh, vàng SJC mới xuống được dưới 80 triệu đồng/lượng.

Theo ông Phương, hiện giá vàng SJC trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí. Nếu muốn thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, giá vàng đấu thầu phải thấp hơn nữa thì khi đó doanh nghiệp mới có dư địa để điều chỉnh giá.

Quan sát thị trường vài ngày qua, ông Phương cho hay, vàng nhẫn của các thương hiệu lớn đang đi ngang quanh mốc 76 triệu đồng/lượng dù vàng thế giới vẫn đang tăng. Một phần nguyên nhân là giá vàng nhẫn chịu tác động từ động thái đấu thầu vàng miếng của NHNN. Nhiều người chờ đợi giá vàng SJC nếu chênh lệch không quá cao so với vàng nhẫn sẽ sẵn sàng mua vàng miếng.

“Việc đấu thầu vàng miếng tác động rất lớn đến tâm lý của người muốn mua vàng và người nắm giữ vàng thời điểm này”, ông Phương nói.

Một chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay nhưng sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá trúng thầu, vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Cho nên, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

“Chúng tôi rất nhiều lần kiến nghị phải xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC mới khiến giá vàng hạ nhiệt chứ việc đấu thầu vàng không giải quyết được. NHNN sẽ không đấu thầu một lần mà nhiều lần. Vậy việc cứ nhập vàng về đấu giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, trong khi giá USD đang cao nhất từ trước đến nay. Điều này là không ổn”, vị này nói.

Vị này nhấn mạnh, bản thân NHNN cũng không dám chắc sau đấu thầu vàng có giảm bớt nhu cầu nắm giữ vàng của người dân hay không?. “Nếu nhu cầu tiếp tục tăng cao, NHNN đấu thầu tăng cung liên tiếp sẽ lại trở thành câu chuyện vàng hóa nền kinh tế”, vị này nói.

Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 12 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thúc đẩy và kiểm soát phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2024.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng. Đồng thời điều tiết kịp thời, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội.

LUÂN DŨNG

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-thau-gan-17000-luong-vang-mieng-co-ha-nhiet-duoc-thi-truong-post1631128.tpo