Năm 2021, dịch Covid-19 ở Mỹ vẫn kéo dài nên nhiều hoạt động còn bị hạn chế. Mỗi khoảnh khắc được tận hưởng sự sống động của thiên nhiên trở thành điều kỳ diệu đáng lưu giữ hơn cả.
Hẳn ai đó có thể đã nghe tới hiện tượng thác lửa hình đuôi ngựa ở công viên quốc gia Yosemite, California nhưng được chứng kiến cảnh tượng siêu hiếm gặp này và tiến xa nữa là ghi lại khoảnh khắc đó thì ngoài sự nỗ lực không nhỏ còn cần rất nhiều may mắn. Hiện tượng này chỉ xảy ra vào cuối tháng 2. Ngọn thác Đuôi Ngựa (Horsetail Falls) - hình thành do nước băng tan chảy xuống từ độ cao 480 m - trong một khoảnh khắc ngắn sẽ đổi màu sang đỏ hồng như ánh lửa khi những tia nắng hoàng hôn chiếu vào. Tôi và nhóm bạn khởi hành từ San Jose, bang California lúc 4h và mất khoảng 6 giờ mới đặt chân tới thác Đuôi Ngựa. Ngọn thác ở trên núi cao hàng trăm mét nhưng bị rừng cây che khuất nên để tìm được vị trí quan sát ưng ý và đặt máy ảnh cũng không dễ. Ảnh: Hai Nguyễn.
Khu rừng với tuyết trắng tạo nên cảnh tượng nên thơ nhưng nhiều người khó lòng tận hưởng điều đó vì đang ngóng đợi “nhân vật chính” suốt ngày dài giữa cái lạnh 0 độ C. Thấm mệt nhưng sợ bỏ lỡ khoảnh khắc đắt giá nên dù buồn ngủ tôi cũng không đành lòng đặt lưng xuống, chỉ ngồi trên tuyết dựa lưng vào gốc thông nghỉ một chút. Ảnh: Hai Nguyễn.
Tới gần 17h, bỗng dưng mây đen kéo đến, hàng trăm người thất vọng. May thay, khoảng 30 phút sau, Mặt Trời ló ra, tỏa sáng, niềm hy vọng lóe lên. Khoảng vài chục phút sau, một điều kỳ diệu đã xảy ra, thác Đuôi Ngựa dần chuyển màu. Thác nước đổi từ màu vàng nhạt qua đậm, đến cam rồi đỏ trông như dòng dung nham chảy giữa không trung. Tiếng trầm trồ, tán thưởng phấn khích của hàng trăm người vang lên không ngớt, kèm theo tiếng lách cách của đủ loại máy ảnh ghi lại khoảnh khắc diệu kỳ của tạo hóa. Chúng tôi đã dụng công chờ đợi cả ngày dài để chiêm ngưỡng hiện tượng thác lửa chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Dù vậy, đó vẫn là sự may mắn lớn. Không ít người lặn lội từ xa tới nhưng vẫn chưa một lần chứng kiến hiện tượng kỳ thú này. Ảnh: Hai Nguyễn.
Siêu trăng máu hôm 26/5 - trăng tròn lớn nhất trong năm xảy ra trùng với nguyệt thực toàn phần làm cho mặt trăng có màu đỏ như máu - đã mang đến cơ hội cho tôi và những người bạn đồng hành ở California có một đêm không ngủ với những trải nghiệm hiếm thấy. Tại California, Mặt Trăng bắt đầu bị bóng Trái Đất che khuất vào lúc 3h, đến hơn 4h thì đạt nguyệt thực toàn phần. Sau đó, bóng che giảm dần, Mặt Trăng ló dần ra đến 5h30 thì nguyệt thực chấm dứt. Nhờ trời trong nên chúng tôi có thể ngắm nguyệt thực rất rõ, nhưng Mặt Trăng nằm khá cao trên bầu trời nên muốn có được ảnh đẹp chúng tôi phải đi tìm một ngọn đồi thấp trên đó có một ngọn tháp với các anten truyền thông làm tiền cảnh. Ảnh: Hai Nguyễn.
Vào tháng 11, hiện tượng trăng máu lại xuất hiện, đây là nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ với thời gian hơn 3 giờ 28 phút. Ở California, Mặt Trăng bắt đầu bị bóng Trái Đất che từ lúc 23h19, đến 1h03 Mặt Trăng bị che cực đại đến 97% bề mặt (gần như nguyệt thực toàn phần). Sau đó, tỷ lệ bị che khuất giảm dần và chấm dứt lúc 2h47. Để chụp được tấm ảnh, tôi đã chạy xe gần 7 giờ để tìm chỗ trời trong. Ảnh: Hai Nguyễn.
Vào tiết Đông chí (21-22/12), cũng là lúc bắt đầu mùa đông ở Bắc bán cầu, nếu bạn rong ruổi trên đường số một từ Los Angeles đến San Francisco, khi đi ngang qua Big Sur, đừng quên ghé Pfeiffer Beach, bãi biển biệt lập ở Big Sur thuộc bang California. Ở đây có các hòn đảo nhỏ nằm gần bờ, những cây trắc bách diệp hàng trăm năm tuổi và bãi cát biển mịn màng có màu tím lạ mắt. Một hòn đảo bị sóng gió bào mòn hàng triệu năm, khoét vào khối đá cứng tạo nên một đường hầm xuyên thẳng qua giữa đảo. Ảnh: Hai Nguyễn.
Trước và sau ngày Đông chí khoảng một tuần, lúc hoàng hôn, Mặt Trời từ từ hạ xuống biển, ánh nắng xuyên qua đường hầm, chiếu lên bọt sóng đập vào những tảng đá ven bờ tạo nên những ánh sao bắn tung tóe lên trời, những hạt nước li ti như tấm màn chứa sáng nghiêng nghiêng trước cửa hang. Ảnh: Hai Nguyễn.
Napa là nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng nhất của nước Mỹ, chỉ cách thành phố San Francisco có 1,5 giờ chạy xe. Ảnh: Hai Nguyễn.
Những vườn nho thẳng tắp kéo dài hàng chục kilomet trên những ngọn đồi trong thung lũng và hàng chục xưởng rượu luôn tạo nên một sức hút đặc biệt.
Thung lũng đặc biệt hấp dẫn mỗi khi mùa thu đến vào cuối tháng 10, khi các vườn nho trở màu lá vàng lá đỏ trên những đám cỏ xanh mướt vì mưa thu tạo nên bức tranh phong cảnh rất ngoạn mục. Ảnh: Hai Nguyễn.
Sương giăng nhẹ mỗi sáng sớm hay mây trời ửng sắc trôi lãng đãng lúc chiều buông làm khung cảnh thêm phần lãng mạn. Năm 2021, dịch Covid-19 ở Mỹ vẫn kéo dài khiến nhiều hoạt động còn bị hạn chế. Những hoạt động tích cực ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên - được chính quyền tiểu bang California khuyến khích - cũng ít nhiều giúp mọi người giảm bớt tâm lý căng thẳng, đồng thời giúp nâng cao thể trạng, trong bối cảnh đại dịch đã gây ra quá nhiều mất mát. Ảnh: Hai Nguyễn.
Sự di cư của loài bướm chúa (monarch butterfly) là hiện tượng hiếm thấy bậc nhất thế giới. Hàng năm, từ Bắc Mỹ, chúng bắt đầu bay hàng nghìn kilomet về phương nam để trú đông khi ngày bắt đầu ngắn dần và nhiệt độ thấp xuống. Mỗi ngày chúng bay 100-160 km và mất nhiều tháng mới đến được nơi tổ tiên của loài bướm này đã ra đi trước đây. Tại Santa Cruz (California) có một lũng nhỏ sát biển trong Natural Bridge State Park là nơi hàng nghìn con bướm chúa tụ tập mỗi khi đông về. Ảnh: Hai Nguyễn.
Việc di chuyển lên phía bắc cần đến 4 thế hệ với tuổi thọ ngắn, trong khi di trú tránh đông xuống phía nam chỉ có một thế hệ với tuổi thọ lâu hơn nhiều lần. Ảnh: Hai Nguyễn.
Sự thay đổi rất lớn của loài bướm này để thích nghi với điều kiện thời tiết nhằm bảo tồn nòi giống khiến nhiều nhà khoa học bị thu hút. Những năm gần đây, thảm họa cháy rừng, khô hạn kéo dài, sự phát triển các khu dân cư, cũng như việc sử dụng nhiều loại thuốc diệt cỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của loài bướm chúa khiến số lượng của chúng ngày càng suy giảm. Ảnh: Hai Nguyễn.