Dấu tích làng chài qua các bài vè xứ Quảng

Tourane là cái tên của Đà Nẵng thời Pháp thuộc. Năm 1977, khi Đà Nẵng vẫn còn là thủ phủ nghề biển ở miền Trung, nhiều gia đình phải chạy từng bữa cơm qua ngày, ông giáo Tân Hoài Dạ Vũ đã lăn lộn từ miền núi xuống đồng bằng, miền biển để tranh thủ ghi lại những dấu xưa tích cũ, in thành 4 tập 'Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng'. Giờ đây có thể tìm lại hình ảnh xưa cũ qua những bài vè được các cụ trao gửi lại cho đời sau.

Làng chài Đà Nẵng in trên con tem thời Pháp thuộc. Ảnh: Tư liệu

Làng chài Đà Nẵng in trên con tem thời Pháp thuộc. Ảnh: Tư liệu

Sau 2 năm giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế (1975-1977), ông giáo Nguyễn Văn Bổn (bút danh Tân Hoài Dạ Vũ, sinh năm 1946, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) rẽ sang sự nghiệp nghiên cứu giữa lúc mọi nhà đang lo nghĩ tới từng bữa cơm. Giữ cương vị Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa dân gian của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông đã khoác túi đi khắp các vùng miền, gặp rất nhiều bậc cao niên, những nhà Nho ở Quảng Nam - Đà Nẵng vừa viết báo, vừa ghi chép lại những câu chuyện xưa cũ được “tạc” vào những bài vè, đậm nét nhất là chuyện thời Pháp thuộc. Lúc bấy giờ, ngư dân ở các làng chài ven bờ thường làm nghề đi câu. Có nơi đi câu trên chiếc thúng nhỏ xíu và mỗi lần gặp gió lốc thì mạng người trở nên mong manh; có nơi đi câu trên chiếc ghe buồm, gặp dông bão chỉ biết khấn cầu trời đất, nếu gặp vòi rồng thì mang quần áo cũ ra đốt để làm phép xua ông vòi rồng chuyển hướng khác, đừng cuốn vào thuyền.

Nghề câu được các cụ trong làng đặt thành bài vè, nhà nghiên cứu Tân Hoài Dạ Vũ ghi chép lại: “52 sao cực quá chừng/Nhiều người nước mắt rưng rưng lệ sầu/Đây là công việc đi câu/Thúng chai nhỏ xíu đi nhầu hăm ba/Thanh niên cho chí cụ già/Bữa nào bữa nấy cũng ra đến bìa/Bữa nào cũng vẫn thức khuya/Nhiều khi gian khổ sợ lìa quê hương...”.

Bài vè này được tác giả ghi chép tại làng chài Tam Thanh (nay thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Sự kiện “52” được nhắc tới trong bài vè có liên quan tới một biến cố lịch sử, đó là năm 1951, lính Pháp từ Tourane (Đà Nẵng) nhảy dù xuống chiếm Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn). Từ đó, lính Pháp liên tục sử dụng tàu đi vào các địa phương ven bờ giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi để truy tìm Việt Minh. Những người dân chèo thuyền đi câu ngoài biển, hễ khi nào thấy trên đỉnh núi có chiếc bồ, hoặc tấm chăn được Việt Minh kéo lên thật cao trên ngọn tre là phải chèo ngay vô bờ, nếu không sẽ bị bắt.

“Sợ lìa quê hương” được nhắc đến trong bài vè có khi là chết do sóng gió, nhưng phần nhiều là ngư dân chết bởi bị lính Pháp bắn vào thuyền. “Đi nhầu hăm ba” được tác giả giải thích, đó là tiếng địa phương, đi nhầu tức là đi liều, do đói quá không có ăn nên phải liều mạng ra biển kiếm cá. Xâu chuỗi sự kiện này vào làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra các vụ việc tương tự. Nhưng ngư dân đã chủ động mai phục và bắt được 2 lính Pháp. Quân Pháp trả đũa bằng cách đốt cháy toàn bộ ngôi làng. Toàn bộ sự kiện này đều được người dân làng chài lưu giữ bằng bài vè.

Hàng chục năm trước, nghề biển được ví von là “hồn treo cột buồm”, cứ thỉnh thoảng lại có trận bão quét qua làng chài khiến nhiều ngư dân chết thảm. Trong bài “Vè thoát bão” được tác giả sưu tầm ghi lại trận bão năm 1928 và người dân chài một phen tả tơi: “Năm Thìn mùng chín tháng năm/Con nhà câu lưới đi làm không hay/Bão Nam gốc lại trong giồng/Ghe bầu, nhà ngói hư hao bộn bề...”.

Những năm tháng ngư dân còn đi biển bằng chiếc thuyền thô sơ, chạy bằng sức gió, có gió thì mở căng cánh buồm, hết gió thì đi lèo, chèo chống, vừa chèo vừa hát những bài vè quen thuộc để nhịp chèo được thống nhất. Mỗi khi có trận bão ập vào, làng chài lại đặt một bài vè để kể về sự tình, thiệt hại, kẻ mất mạng, người may mắn. Vào khoảng thời điểm năm Thìn, người dân ở cửa biển Đà Diễn gần núi Chóp Chài, tỉnh Phú Yên cũng khóc than và lưu lại bài vè “Hăm mốt thằng Khoai, hăm hai thằng Củ”. Tức người em tên Khoai đi biển gặp bão, người anh tên Củ giong buồm đi tìm, vậy rồi không ai trở về nữa.

Còn bài “Vè chỉ đường đi biển” phần lớn ngư dân xưa kia ở trong vùng đều thuộc. Nhà nghiên cứu Tân Hoài Dạ Vũ đã kịp sưu tầm, ghi chép lại và ngư dân ngày nay ví von bài vè này giống như chiếc định vị dẫn đường cho ngư dân xuôi ngược từ Bắc, qua miền Trung, vào miền Nam. Đoạn đường đi biển qua khu vực cửa biển Đà Diễn, tỉnh Phú Yên được chỉ dẫn bằng câu vè: “Biển trời sóng nước nhìn lên/Mái nhà gác xối, ba niên Chóp Chài”.

Ông nội của nhà nghiên cứu Tân Hoài Dạ Vũ là Cửu Quán (Nguyễn Văn Quán), sinh năm 1879, từng đỗ kỳ thi Hương cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn nhưng không ra làm quan. Khí chất của ông nội được người cháu Tân Hoài Dạ Vũ tiếp nối và không ngừng cho ra đời các tác phẩm văn chương, thơ, nhạc. Nổi bật trong số đó là những bài vè về cuộc sống cơ hàn của người dân An Nam thời Pháp thuộc, trong đó có những câu vè như: “Tàu Tây ống khói bằng đồng/Trách cho ông Sứ (quan Sứ) đem chồng tôi đi/Tàu Tây ống khói đen sì/Không chồng, không của, lấy gì nuôi con...”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-tich-lang-chai-qua-cac-bai-ve-xu-quang-post479442.html