Đấu tranh chống thuốc giả, thực phẩm giả: Cần những công cụ được pháp luật thừa nhận

Để đấu tranh chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả cần những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận nhằm hỗ trợ quản lý thị trường khi thực thi nhiệm vụ

Theo ông Phạm Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ Chống hàng giả Việt Nam, thuốc và thực phẩm chức năng có ý nghĩa rất to lớn trong đời sống con người. Tuy vậy, gần đây mặt hàng này lại có dấu hiệu bị làm giả và nhập lậu gia tăng, gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người dùng.

“Vấn đề thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội, đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng tinh vi. Các hành vi gian lận sản phẩm trong lĩnh vực y tế này đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao”- ông Thọ cho biết.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, tịch thu thuốc nhập lậu. Ảnh Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, tịch thu thuốc nhập lậu. Ảnh Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh

Liên quan đến thực trạng thuốc, thực phẩm chức năng, thông tin tại hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý hàng loạt vụ việc, trong đó vi phạm về chất lượng, công dụng là 60 vụ; giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu là 357 vụ; vi phạm về tem, nhãn, bao bì, hàng hóa giả với 34 vụ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 162 vụ và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là 982 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm trên 8,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, thuốc giả thực phẩm chức năng giả tràn lan ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng, cũng gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. Đặc biệt, sản phẩm bị làm giả rất đa dạng, từ hàng hóa thông thường cho tới những sản phẩm có giá trị cao. Có thể kể tới hai sản phẩm thực phẩm đang bị làm giả, nhái phổ biến như tổ yến và sâm Ngọc Linh.

“Hiện có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn với doanh nghiệp khi khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả. Cây Tam Thất có hình dáng giống cây Sâm Ngọc Linh khiến nhiều người nhầm lẫn, thậm chí ngay tại Quảng Nam - “thánh địa” của Sâm Ngọc Linh cũng bị làm giả”- bà Trần Hoàng Kim Anh, Thương hiệu PN’S CHOICE, Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam chia sẻ.

Nói về nguyên nhân thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả còn tồn tại, ông Nguyễn Đức Lê cho biết: Việc này xuất phát từ lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất lớn, đặc biệt là với nhóm thuốc và thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, do ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng. Ngoài ra, còn do thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chưa kể việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh…

Đối với lực lượng quản lý thị trường, dù rất quyết liệt thanh tra, kiểm tra nhưng còn cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng cũng như các thông tin kịp thời về thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc xâm phạm quyền.

Để đấu tranh với thuốc, thực phẩm chức năng giả, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan cùng với các doanh nghiệp phải có sự đồng lòng, chung tay góp sức. Cùng với đó cũng cần có sự tham gia quyết liệt của các Hiệp hội có liên quan phối hợp với doanh nghiệp trong đấu tranh chống thuốc, thực phẩm chức năng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng Quản lý thị trường khi thực thi nhiệm vụ, có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của của sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường.

Bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam:

Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Với những hậu quả nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn là tính mạng của con người, nạn thuốc giả làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.

Ngọc Thùy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dau-tranh-chong-thuoc-gia-thuc-pham-gia-can-nhung-cong-cu-duoc-phap-luat-thua-nhan-220913.html