Đấu tranh phòng chống tham nhũng: Khi có sự vào cuộc của người dân
Đồng chí Đinh Quốc Liêm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: Xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 14/3/2014 về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và PCTN, lãng phí'. Qua đó đã huy động sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh.
Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến công tác PCTN. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài trên địa bàn. Tạo niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng như quyết tâm chính trị trong đấu tranh PCTN, lãng phí.... Từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTN.
Điều này được thể hiện rõ nhất là sự vào cuộc của nhân dân trong tố giác tội phạm tham nhũng. Theo đồng chí Đinh Quốc Liêm, chính từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN về cơ sở đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động trong cán bộ, nhân dân. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành cơ chế pháp lý phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bí mật danh tính, bảo vệ người tố cáo, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCTN. Nếu như trước đây, hầu như không có hoặc rất ít đơn thư tố cáo, tố giác của người dân về hành vi tham nhũng của một số cán bộ, cơ quan, đơn vị thì từ năm 2015 đến tháng 5/2019, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 13 đơn thư tố giác tội phạm trong lĩnh vực PCTN. Trong đó, nhiều vụ việc làm rõ hành vi vi phạm của người bị tố cáo.
Như vụ bà L.T.D ở phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) tố cáo một số cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hòa Bình thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Sau khi xem xét, làm rõ, cơ quan chức năng đã ra quyết định truy tố 3 cán bộ của Trung tâm trước pháp luật. Hay như trong quá trình xét xử, xử lý vụ án tranh chấp dân sự, TAND TP Hòa Bình đã phát hiện bà Nguyễn Thị Thu, trú tại xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) trong quá trình làm tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm của Ngân hàng CSXH tỉnh (từ năm 2013 - 2017) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 62 triệu đồng. Vụ việc đã được cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hoặc như Bưu điện tỉnh tố giác bà Nguyễn Thu Thảo cùng một số cán bộ Bưu điện huyện Cao Phong chiếm dụng 8,8 tỷ đồng của Ngân hàng Liên Việt Potsbank...
Không chỉ vậy, tính từ năm 2015 đến nay, thông qua việc tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo của công dân, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xem xét chuyển nhiều đơn thư tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Điển hình như vụ sử dụng trái phép tài sản và vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện Lương Sơn; vụ đối tượng Nguyễn Thị Bình, nguyên là cán bộ Thanh tra tỉnh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng thông qua hình thức "chạy việc”. Mới đây nhất là vụ tố cáo một số cán bộ tại Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hòa Bình thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng...
Bên cạnh đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy thường xuyên đôn đốc các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về PCTN; chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý đảm bảo tiến độ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình quản lý, phụ trách. Từ năm 2014 - 2019, toàn tỉnh tiến hành 656 cuộc thanh tra. Qua đó, phát hiện sai phạm trên 183 tỷ đồng, quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 32 tỷ đồng...
Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo đồng chí Đinh Quốc Liêm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tự kiểm tra PCTN tại một số cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên, liên tục. Việc phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí qua công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xử lý dứt điểm những kiến nghị của nhân dân dẫn đến tình trạng một số vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Do vậy, để công tác PCTN ngày càng đạt hiệu quả cao, ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức đối với công tác PCTN cần phải tập trung xử lý những vấn đề nổi cộm, phức tạp, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng. Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đặc biệt, phải phát huy tốt vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng.