Đấu tranh phòng, chống tham nhũng - khi có sự vào cuộc của người dân
Không chỉ các cơ quan chức năng, trên thực tế, nhờ có sự tham gia, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, nhiều vụ việc tham nhũng đã bị phanh phui, phát hiện, làm rõ...
Đồng chí Quách Thế Ngọc, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và PCTN, TC, trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh PCTN, TC. Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài trên địa bàn. Tạo niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng như quyết tâm chính trị trong đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, hành vi tham nhũng ngay tại địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện cơ chế công khai, minh bạch cũng như quy chế dân chủ ở cơ sở... Nhờ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống tội phạm nói chung và PCTN, TC nói riêng.
Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động; xây dựng và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đảm bảo theo đúng quy định. Các cơ quan, đơn vị đã ban hành mới 747 văn bản, sửa đổi, bổ sung 48 văn bản, tổ chức 78 cuộc kiểm tra thực hiện các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Thực hiện chuyển đổi 581 vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật PCTN; công khai tài sản, thu nhập đối với 13.930 người trong 898 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cơ quan tố tụng hai cấp của tỉnh thụ lý 19 vụ, 65 bị can liên quan đến các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, cấp ủy các cấp xem xét xử lý trách nhiệm 16 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong công tác PCTN, TC, có 6 người bị xử lý hình sự.
Đáng nói, trong các vụ việc liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực có nhiều vụ việc được phát hiện từ sự vào cuộc, tố giác của quần chúng nhân dân. Điển hình như vụ "lạm quyền khi khi hành công vụ” xảy ra tại xã An Bình (Lạc Thủy), xã Cao Răm - nay là xã Cao Sơn (Lương Sơn); vụ án "tham ô tài sản” xảy ra tại hợp tác xã Nghĩa Phương (TP Hòa Bình); vụ "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Yên Trị (Yên Thủy), Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Kim Bôi, hợp tác xã vận tải Đền Chúa Thác Bờ; vụ án "lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại xã Xuất Hóa (Lạc Sơn); vụ án "nhận hối lộ”, "đưa hối lộ”, "môi giới hối lộ” xảy ra tại Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn; vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại UBND xã Bình Sơn (Kim Bôi)...
Theo đồng chí Quách Thế Ngọc, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCTN đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng, ban hành các cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bí mật danh tính, bảo vệ người tố cáo góp phần làm chuyển biến rõ nét trong công tác PCTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Qua đó tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Từ các vụ việc có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; khẳng định quyết tâm PCTN của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.