Đấu tranh vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm
Theo đánh giá của Công an tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dẫn tới nhiều vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và an toàn thực phẩm (ATTP). Các vi phạm môi trường nổi lên là tình trạng đổ thải, thu gom, chuyển giao, xử lý chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo đánh giá của Công an tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dẫn tới nhiều vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và an toàn thực phẩm (ATTP). Các vi phạm môi trường nổi lên là tình trạng đổ thải, thu gom, chuyển giao, xử lý chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp, rác thải sinh hoạt trái quy định về BVMT; không vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải; một số cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp lợi dụng trời mưa xả nước thải sản xuất vào đường thải nước mặt của khu, cụm công nghiệp; lợi dụng thời điểm giãn cách xã hội để vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm. Vi phạm pháp luật về ATTP phổ biến là sản xuất hàng giả phụ gia thực phẩm; kinh doanh thực phẩm nhập lậu; thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm không bảo đảm điều kiện về ATTP; vi phạm quy định về vệ sinh thú y, vận chuyển gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch...
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Môi trường tăng cường phối hợp, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và những quy định của ngành chức năng liên quan đến pháp luật môi trường, ATTP; ban hành kế hoạch đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân năm 2021; kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021; đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố Nam Định, các thị trấn, thị tứ tập trung đông dân cư. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường còn tích cực phối hợp với Công an các địa phương, các ngành chức năng nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện những người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch nhưng không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng, có dấu hiệu thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở nắm chắc tình hình tại các chợ đầu mối, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm để kịp thời phát hiện các vi phạm như thu gom thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng vẫn bán cho người tiêu dùng. Tại thành phố Nam Định, lực lượng Công an đã tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng gồm Y tế, Chi cục ATTP, Phòng Tài nguyên Môi trường, Chi cục Kiểm lâm định kỳ kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là trong Tháng hành động vì ATTP năm 2021, Tết Trung thu, lễ hội truyền thống Đền Trần; phối hợp với 25 phường, xã xác minh, giải quyết kịp thời các “điểm đen” về môi trường trên địa bàn thành phố. Ở huyện Ý Yên, lực lượng Cảnh sát Môi trường đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và các tin phản ánh vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, ATTP; tiến hành điều tra vụ án, xác minh vụ việc, xử lý vi phạm pháp luật kịp thời có tính răn đe cao. Vì vậy, một số vụ việc manh nha vi phạm pháp luật tại các làng nghề: Chế biến gỗ La Xuyên (Yên Ninh), cơ khí đúc Tống Xá và đúc đồng Vạn Điểm (thị trấn Lâm) đã sớm được phát hiện, ngăn chặn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường sống cho nhân dân...
Thượng tá Phạm Văn Nghiêm, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) cho biết, từ đầu năm đến nay lực lượng cảnh sát môi trường trong tỉnh đã phát hiện 118 vụ việc vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực môi trường, tài nguyên khoáng sản, ATTP, thú y, vật tư nông nghiệp, buôn bán động vật hoang dã, sản xuất lương thực, thực phẩm giả; trong đó 5 vụ có dấu hiệu phạm tội đã chuyển sang điều tra, khởi tố theo quy định; các vụ còn lại xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Điển hình là hồi đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Công an huyện Giao Thủy thực hiện kiểm tra đối với cơ sở nuôi nhốt động vật của ông Nguyễn Đình Thiên (SN 1957) ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy), phát hiện 11 cá thể động vật nghi gà lôi trắng và 12 cá thể nghi chim công; đều là những động vật hoang dã thuộc nhóm IB, IIB quy định tại Nghị định số 06, ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý động vật, thực vật rừng nguy cấp. Quá trình kiểm tra, đối tượng Thiên không xuất trình được các giấy phép đăng ký nuôi nhốt động vật hoang dã do cơ quan có thẩm quyền cấp nên lực lượng Công an đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số động vật hoang dã trên để khởi tố vụ án. Cũng trong dịp đầu năm, lực lượng Công an đã bắt quả tang đối tượng Trần Thị Nguyệt, tên thường gọi là Hoa (SN 1972), hộ khẩu thường trú tại khu 14, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) đang điều khiển xe mô tô chở 1 bao tải dứa bên trong có chứa 65 gói mì chính nhãn hiệu AJINOMOTO loại 454 gam/gói và 5 gói mì chính nhãn hiệu AJINOMOTO loại 1kg/gói. Đối tượng Nguyệt khai nhận số mì chính trên là hàng giả do mình tự sản xuất, đóng gói tại nhà, đang trên đường đi tiêu thụ thì bị bắt giữ. Giữa năm nay, lực lượng Công an đã bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH Vượng Phát, ở phường Ngô Quyền (thành phố Nam Định) phát hiện tại đây đang sản xuất băng vệ sinh giả mạo nhãn hàng của Công ty Cổ phần Diana Unicharm; thu giữ 7.008 gói băng vệ sinh giả cùng nhiều nguyên liệu, công cụ, phương tiện phục vụ cho việc sản xuất hàng giả. Hồi 1 giờ 40 phút ngày 10-7-2021 trên sông Hồng, tại khu vực giáp ranh giữa huyện Giao Thủy và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt quả tang phương tiện thủy không biển kiểm soát, có tải trọng khoảng 300 tấn do ông Phạm Văn Kiên (SN 1987), trú tại xóm 14, xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương điều khiển, đang khai thác cát từ lòng sông Hồng lên khoang chứa của phương tiện thủy. Quá trình kiểm tra, lực lượng Công an xác định trên phương tiện hiện có khoảng 50m3 cát, chủ phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp, vi phạm Điều 48 Nghị định số 36 ngày 24-3-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Lực lượng Công an đã hoàn thiện hồ sơ ban đầu để xử lý và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án...
Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình vi phạm pháp luật môi trường, tài nguyên và ATTP chắc chắn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Từ thực tế trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường tích cực phối hợp với Công an các địa phương và cấp ủy, chính quyền cơ sở mở rộng các hình thức kiểm tra; đấu tranh, ngăn chặn một số vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu