Dấu trừ lớn trong doanh thu của Thế giới di động (MWG)
Consumer Finance là dấu trừ lớn trong doanh thu của Thế giới di động, trong quá khứ có những thời điểm mà doanh thu đến từ vay tiêu dùng lên đến 35% trên tổng doanh thu của tập đoàn.
Doanh thu sụt giảm
Đứng trước sức mua chung sụt giảm, trong khoảng quý II/2023, CTCP đầu tư Thế giới di động - nhà bán lẻ hàng đầu trên thị trường đã phát động cuộc chiến về giá bán nhằm giữ thị phần với các đối thủ. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận gộp của công ty nói riêng và toàn ngành nói chung sụt giảm mạnh.
Ngoài sức mua chung sụt giảm không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, một "thủ phạm" ảnh hưởng tới doanh thu đã được Chủ tịch Nguyễn Đức Tài của Thế giới di động cho biết vào ĐHĐCĐ thường niên 2023 được tổ chức hồi tháng 4 năm nay đó chính là Consumer Finance (Tài chính tiêu dùng).
Theo ông Tài, Consumer Finance là dấu trừ lớn trong doanh thu, trong quá khứ có những thời điểm mà doanh thu đến từ vay tiêu dùng lên đến 35% trên tổng doanh thu của tập đoàn. Trước đây có 3, 4 đối tác trả góp thì bây giờ chỉ còn 1 bên có khả năng cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp này. Cùng với đó, tỉ lệ duyệt hồ sơ vẫn rớt mạnh, nếu như trước đây có thể duyệt lên đến 60%-70% thì bây giờ chỉ còn 20%. Doanh số cho vay trả góp rớt là một nguyên nhân gây sụt giảm doanh thu của thế giới di động.
Nhiều năm nay, kênh trả góp qua các công ty tài chính là một trong những nguồn giúp khách hàng dễ dàng mua được các sản phẩm điện thoại, điện máy hơn. Home Credit Việt Nam và Thế Giới Di động đã ký kết hợp tác chiến lược từ hơn 10 năm trước. Tại mỗi cửa hàng của Thế giới Di động đều có nhân viên của Home Credit thực hiện các nghiệp vụ cho vay tín chấp với số tiền từ 1 - 40 triệu đồng.
Ngoài Ngoài Home Credit, Thế Giới Di Động còn hợp tác với nhiều đối tác khác như F88, FE Credit.Tháng 12/2021, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động công bố đã chính thức trở thành đối tác của Công ty CP Kinh doanh F88 (chủ sở hữu chuỗi cầm đồ F88). Theo đó, hai bên sẽ hợp tác để cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt tại các cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh.
Tuy nhiên tới ngày 7/3/2023, sau khi Công ty cổ phần Đầu tư F88 chi nhánh TP HCM bị cơ quan công an kiểm tra, Thế Giới Di Động đã có động thái tạm ngưng hợp tác với F88 để yêu cầu công ty này giải thích, làm rõ vấn đề liên quan.
Theo BCTC của Thế giới di động gần nhất, số dư các khoản phải thu tại ngày 30/9/2023 với Home Credit là 101,9 tỷ đồng, với VPBank là 15,4 tỷ đồng. Trên thực tế thì từ cuối năm ngoái và trong năm nay, hoạt động cho vay tại các công ty tài chính đã bị giảm sút so với giai đoạn trước.
Bùng nợ tăng, tín dụng tiêu dùng co hẹp
Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng. Trong đó, có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống).
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, qua đó hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia. Các TCTD đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của NHNN, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa...
Tuy nhiên hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp. Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua).
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao. Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý… Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.
Ông Nguyễn Hồng Quân – Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Dư nợ vay tiêu dùng của 16 công ty tài chính hiện giảm 67.721 tỷ đồng so với cuối năm 2022, nợ xấu tăng từ 5 – 10%, thậm chí cá biệt có công ty lên tới 20%.
Riêng tại địa bàn TP HCM, một thị trường lớn của Thế giới di động, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn tính đến hết tháng 10 năm nay chỉ đạt 955 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2022, số liệu được Báo đầu tư dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho hay.
Trước đó, tín dụng tiêu dùng đạt mức tăng trưởng khá, với mức tăng trưởng bình quân 5 năm trở lại đây tính theo năm tăng 16,3%/năm, trong khi tăng trưởng tín dụng chung bình quân tăng 12,4%. Nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng trưởng gắn liền với nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng ngày càng tăng.
10 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của CTCP đầu tư Thế giới di động đạt 98.046 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 73% kế hoạch năm 2023. Trong đó, lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng doanh thu 2 chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh đạt 70.200 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.