'Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội': Chi ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới

Ngày 12/12, tại Hà Nội, báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo 'Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội', nhằm đưa ra các dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2025 và những cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo là nơi các chuyên gia kinh tế hàng đầu đánh giá về các kênh đầu tư hiện hữu và tiềm năng, đưa ra các khuyến nghị với cộng đồng doanh nhân, các nhà đầu tư về cơ hội và rủi ro qua 2 phiên thảo luận.

Phiên thảo luận 1"Giải mã biến số".

Phiên thảo luận 1"Giải mã biến số".

Phiên thảo luận 1"Giải mã biến số", với sự góp mặt của TS Nguyễn Trí Hiếu- Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu; bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng, Đại diện khu vực phía Bắc Niesel IQ Việt Nam; ông Barry Weisblatt David- Giám đốc Khối Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT; ông Hoàng Quốc Anh- Giám đốc Đầu tư của GHGInvest; ông Trịnh Hà, Chuyên gia chiến lược, Exness Investment Bank. Tại phiên thảo luận này, các diễn giả đã tập trung phân tích các biến số vĩ mô trong nước và quốc tế 2024 và dự đoán năm 2025, đưa ra những dự báo chính sách tiền tệ và tài khóa, tác động lên môi trường kinh doanh và đầu tư 2025. Đồng thời, các diễn giả cũng phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng các kênh đầu tư.

Phiên thảo luận 2 "Nhận diện cơ hội".

Phiên thảo luận 2 "Nhận diện cơ hội".

Phiên thảo luận 2 "Nhận diện cơ hội", với sự góp mặt của TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS); ông Trịnh Hà -Chuyên gia chiến lược, Exness Investment Bank; ông Lê Quang Hưng - Giám đốc Cao cấp Phân tích đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital); ông Nguyễn Việt Đức- Giám đốc Kinh doanh số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS); ông Lê Đức Khánh- Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VPS. Tại phiên thảo luận này, các diễn giả đã tập trung phân tích các cơ hội đầu tư và quản lý các lớp tài sản.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, khẳng định: "Đặt chủ đề "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội" cho cuộc hội thảo này, chúng tôi muốn các quý vị cùng tiếp tục hành trình tìm câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi mà chúng ta đã đặt ra từ nửa năm trước. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ cùng tiếp tục giải mã những biến số cả cũ và mới để việc tìm kiếm và sàng lọc cơ hội đầu tư trở nên bớt phức tạp hơn".

Theo ông Lê Trọng Minh, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức đầu tháng 6/2024, với chủ đề "Ứng biến trong vạn biến", cũng như tại tọa đàm "Tìm kiếm cơ hội đầu tư nửa cuối năm 2024", cũng do báo Đầu tư tổ chức, đã đưa ra nhiều kiến giải về hàng loạt biến số trong một bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng của các nước đang phát triển, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn.

"Trong nửa năm qua, nhiều nhận định, dự báo đã trở thành hiện thực, và nhiều biến số đã được làm sáng tỏ để không còn là biến số. Cuộc bầu cử được cả thế giới quan tâm nhất cũng đã rõ kết quả. Những động thái từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ mà mọi nền kinh tế đều nín thở dõi theo cũng dần lộ sáng. Nhiều động thái xung đột địa chính trị đã không còn là yếu tố bất ngờ. Nhiều ẩn số trong kinh tế thế giới đã tìm được lời giải.

Song bên cạnh đó, cùng với những biến động quốc tế nhanh và mạnh, hàng loạt thay đổi đã tạo ra thêm nhiều biến số mới, kể cả trên những nền tảng tưởng chừng như đã rõ. Dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã được chính thức công bố, những kịch bản khác nhau vẫn tiếp tục được đưa ra gắn với những ẩn số về chính sách sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức. Những xung đột và biến động chính trị mới ở nhiều nơi trên thế giới lại dẫn đến những âu lo mới về hoạt động của các thị trường… Và với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chắc chắn mức độ tác động từ bên ngoài sẽ cần phải được tính toán cẩn trọng", ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Trọng Minh, các biến số vĩ mô và vi mô cả trong nước và quốc tế luôn là điều được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Đó là việc: Những biến số này sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường kinh doanh và đầu tư năm 2025? Các kênh đầu tư trong thời gian tới sẽ diễn biến theo xu hướng nào? Các lớp tài sản nào sẽ là lựa chọn tốt của năm tới?

TS Nguyễn Trí Hiếu- Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, phát biểu tại Hội thảo.

TS Nguyễn Trí Hiếu- Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Trí Hiếu- Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu đã chỉ ra có những “biến số” chính đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025.

Thứ nhất, tỷ giá biến động mạnh, đến nay đã 4,5% và theo tôi đến cuối năm có thể tăng lên 5%. Tỷ giá tăng và sang năm sẽ biến động theo chiều hướng đi lên. Tỷ giá phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Mỹ. Năm 2025, dự báo Fed xoay chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt do có thể đối diện với lạm phát tăng do giá hàng hóa sau khi áp thuế sẽ tăng cao. Cùng với đó, thị trường lao động của Mỹ sẽ bị thiếu hụt với chính sách nhập cư mới của Trump. Chính sách giảm thuế cho người giàu của ông Trump sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Muốn đẩy trái phiếu, lãi suất phải tăng. Khi đó, giá trị đồng đôla tăng, gây áp lực lên tỷ giá và khiến giá hàng hóa đắt hơn.

Thứ hai, về ngoại thương, xuất và nhập khẩu tại Việt Nam lớn, nên chịu ảnh hưởng nhiều. Ngoại thương Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước.

Thứ ba, tình hình địa chính trị. Các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau COVID-19, nhất là các SME. Nhiều doanh nghiệp cho biết không vay được, nợ xấu tăng lên. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa đủ để giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

"Dù đối diện nhiều thách thức, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN.

Về nội tại, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

PV

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dau-tu-2025-giai-ma-bien-so-nhan-dien-co-hoi-chi-ra-co-hoi-dau-tu-tiem-nang-trong-thoi-gian-toi-20241212133045402.htm