Đầu tư cho công nghệ giảm khí thải

Nhằm đạt được mục tiêu giảm khí thải, Chính phủ Australia đang thúc đẩy chỉnh sửa và mở rộng Quỹ Giải pháp khí hậu trị giá lên tới 2 tỷ AUD (1,3 tỷ USD).

Khói cháy rừng gây ô nhiễm tại Australia. Ảnh: Bloomberg

Khói cháy rừng gây ô nhiễm tại Australia. Ảnh: Bloomberg

Quỹ này dự kiến sẽ mở rộng tài trợ cho một loạt lĩnh vực có lượng khí thải carbon cao bao gồm sản xuất, vận chuyển và nông nghiệp để giảm khí thải.

Theo đó, khoảng 200 cơ sở sản xuất liên quan các dự án năng lượng than hoặc dự án thu gom và lưu trữ carbon (CCS) cũng sẽ được cấp tín dụng nếu cam kết giảm khí thải bằng cách đầu tư công nghệ theo dõi nhanh.

Quỹ Giải pháp khí hậu được thành lập năm 2014 dưới thời cựu Thủ tướng Tony Abbott, với mục tiêu trả tiền cho các công ty sản xuất để giảm lượng khí thải carbon, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm hoạt động, quỹ này không đạt hiệu quả như mong muốn và không cung cấp được ưu đãi tốt nhất cho các dự án giảm khí thải carbon.

Đến tháng 10-2019, Chính phủ Australia quyết định tiến hành đánh giá lại hoạt động của quỹ và chấp nhận 21/26 khuyến nghị, bao gồm trợ cấp cho việc thu gom và lưu trữ carbon.

Đầu năm nay, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố Australia sẽ đạt mục tiêu giảm 26% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải bằng không trong nửa cuối thế kỷ 21 nhờ phát triển công nghệ.

Dự kiến, lộ trình đầu tư công nghệ làm sạch khí thải sẽ được Chính phủ Australia công bố vào cuối năm nay. Đây sẽ là bản kế hoạch chi tiết mà giới chức Australia hy vọng sẽ giúp nước này đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải như đã đề ra.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Angus Taylor, hiện Australia đã sẵn sàng triển khai ứng dụng công nghệ cao nhằm giúp các ngành như khai thác mỏ và nông nghiệp phát triển thịnh vượng hơn nhưng không gây tổn hại môi trường.

Australia từng đầu tư 10,4 tỷ AUD (6,7 tỷ USD) vào hơn 670 dự án công nghệ sạch nhưng đến năm 2020, Bộ Năng lượng Australia xác định cần phải thay đổi hướng đi. Trong lộ trình đầu tư công nghệ mới, Chính phủ liên bang Australia sẽ chuyển hướng các khoản đầu tư vào phát triển các công nghệ năng lượng mới, bao gồm hydrogen, thu hồi và lưu trữ carbon, lithium, các loại thức ăn chăn nuôi gia súc bổ sung tiên tiến giúp giảm phát thải khí metan và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đây cũng được xem là nền tảng của chiến lược giảm phát thải dài hạn của Australia.

Việc gấp rút hoàn thiện và sửa chữa các kế hoạch giảm khí thải của Chính phủ Australia diễn ra trong bối cảnh nước này đang chịu nhiều tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu mới nhất của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF), biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định tài chính của Australia và có thể khiến nước này thiệt hại ít nhất 29 tỷ AUD (19,43 tỷ USD) mỗi năm.

Nghiên cứu trên cho hay trong vòng 30 năm tới, kinh tế Australia sẽ bị ảnh hưởng lớn thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản, Anh và Ấn Độ, do không có các hành động đối phó với biến đổi khí hậu.

WWF cảnh báo, với hầu hết dân số, cơ sở hạ tầng và các hoạt động dịch vụ đều tập trung tại các khu vực ven biển, Australia sẽ dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao hoặc các các cơn bão lớn. Ngoài giảm phát thải, việc chú trọng bảo vệ các nguồn tài nguyên và vùng ven biển có thể giúp Australia tiết kiệm được hàng tỷ USD do suy giảm kinh tế.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dau-tu-cho-cong-nghe-giam-khi-thai-663734.html