Đầu tư cho khoa học nên xem là đầu tư mạo hiểm

Theo Nghị định 70/2018 của Chính phủ, khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tài sản hình thành từ nhiệm vụ đạt tiêu chuẩn là tài sản cố định phải được xử lý. Tuy nhiên đây cũng chính là rào cản lớn trong việc đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ ra thị trường. Cần phải xem đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ là đầu tư cho mạo hiểm thì mới khuyến khích nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển. Ghi nhận từ chuyến giám sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tại Đà Nẵng vừa qua.

Một trong những nguồn cung lớn của thị trường Khoa học công nghệ tại Đà Nẵng là từ các trường đại học, các viện nghiên cứu. Từ 2018 – 2022, Đại học Đà Nẵng đã có hơn 1.900 công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, thực hiện 34 nhiệm vụ hợp tác với doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ với 327 sản phẩm. Tuy nhiên, đây không phải là con số lý tưởng.

Đã là sản phẩm của nghiên cứu khoa học thì có thể thành công, có khi thất bại. Nhưng nếu đã dùng đến Quỹ khoa học Công nghệ hoặc ngân sách nhà nước để thực hiện nghiên cứu thì buộc phải thành công, có kết quả. Sản phẩm cũng là tài sản công, cần được định giá. Nhưng hiện nay, rất khó tìm được cơ quan có khả năng thẩm định giá tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gây khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Nhiều nhà khoa học “kêu khó” do chưa có văn bản hướng dẫn việc xem xét đối tượng tài sản cần xử lý là từng đơn vị riêng lẻ hay theo kết quả (toàn bộ khối lượng, số lượng sản phẩm); rất khó xác định được tiêu chí “thời gian sử dụng” của một số loại sản phẩm để quyết định sản phẩm có phải là tài sản cố định hay không. Sản phẩm nghiên cứu thành công, nhưng định giá không chính xác cũng dễ khiến người làm khoa học bị quy trách nhiệm trong công tác định giá làm thất thoát tài sản nhà nước.

Đoàn giám sát cũng ghi nhận nhiều kiến nghị, tập trung vào gỡ vướng chính sách, tháo gỡ khó khăn trong định giá tài sản là kết quả nghiên cứu khoa học, có chính sách hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Đặc biệt là chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để các nhà khoa học theo đuổi đến cùng sản phẩm của mình, thay vì chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Mỹ Phượng - Anh Khoa

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dau-tu-cho-khoa-hoc-nen-xem-la-dau-tu-mao-hiem-192666.htm