Đầu tư cho nguồn nhân lực
Những năm qua, TP HCM cùng ĐBSCL hợp sức để từng bước khơi thông nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm, ngoài thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, du lịch, ĐBSCL còn có khoảng 10 triệu lao động. Đây là một lợi thế đặc biệt, nếu khơi thông hoàn toàn sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực này cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TP HCM là hạt nhân.
Nhu cầu, yêu cầu ngày càng cao
TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng nhân lực là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và cả khu vực ĐBSCL. Động lực đó thể hiện rõ qua việc TP HCM là trung tâm đào tạo nhân lực lớn nhất phía Nam, sử dụng hiệu quả những lao động có tay nghề đến từ cả nước, trong đó có ĐBSCL.
Nhiều năm qua, một lực lượng lớn lao động trẻ từ ĐBSCL đã đến TP HCM học tập, làm việc và lập nghiệp, góp phần thúc đẩy thành phố phát triển. Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN), nhà giáo từ TP HCM đã đến các tỉnh, thành ĐBSCL để chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động (NLĐ), góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả vùng.
Bên cạnh đó, các cuộc xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cũng góp phần điều chỉnh cung cầu lao động, giúp NLĐ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định đời sống trên quê nhà.
Tuy đã đạt được những kết quả thiết thực nhưng theo bà Cao Thị Ngọc Cưng, người sáng lập và điều hành website việc làm Canthowork.vn, thời gian gần đây, nhu cầu tuyển dụng tại ĐBSCL khá lớn đối với cả lao động phổ thông lẫn nhân sự chất lượng cao. Khu vực này có nhiều trường đại học, cao đẳng, mỗi năm đào tạo hàng vạn nhân sự nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
"Đáng nói, các DN ở ĐBSCL cần tuyển dụng rất nhiều nhân sự liên quan ngành nông nghiệp, thủy sản nhưng số lượng ứng viên đáp ứng được yêu cầu lại rất ít. Một nghịch lý đang xảy ra đối với nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản là nhiều sinh viên sau khi ra trường chỉ muốn tìm việc tại thành phố, dù trái ngành nghề, bởi họ cho rằng có nhiều cơ hội thăng tiến, thu nhập tốt hơn. Do đó, rất cần có những chính sách "giữ chân" lao động chất lượng cao để cân bằng nguồn nhân lực" - bà Cưng đề xuất.
Theo ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (TP Cần Thơ), DN của ông cũng đang thiếu lao động trình độ cao ở lĩnh vực chế biến nông sản. "Chúng tôi đang cần lao động chất lượng cao, giỏi tiếng Anh, biết công nghệ. Dù đưa ra mức lương cao, nhiều đãi ngộ nhưng đăng tuyển hoài mà vẫn chưa tìm đủ" - ông băn khoăn.
Ông Hoài cho rằng ngoài việc DN tìm đến các trường đại học tuyển sinh viên giỏi về đào tạo hoặc đặt hàng đào tạo, cần có thêm những chính sách cụ thể từ các địa phương trong vùng cũng như từ sự liên kết giữa TP HCM và khu vực ĐBSCL.
Giữ chân và nâng chất
Theo GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, để thực hiện mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao, chính sách phát triển nguồn nhân lực phải là chiến lược cho cả vùng chứ không riêng tỉnh, thành nào. Cần đưa công tác đào tạo thành chiến lược, đào tạo cần gắn với yêu cầu phát triển của từng địa phương và có chính sách thu hút những chuyên gia đầu ngành về ĐBSCL tham gia đào tạo nhân lực cho vùng.
Đồng quan điểm, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet (TP HCM), đề xuất các địa phương ĐBSCL cần kết nối với nhau, xác định những ngành đào tạo trọng yếu, thực hiện cùng lúc 3 chiến lược: Tuyển dụng - thu hút nhân tài, phát triển nguồn lực tại vùng và "mượn" chất xám từ các chuyên gia trong nước, quốc tế đến làm việc.
Các địa phương, cơ sở đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với DN. Trước khi đào tạo, các cơ sở cần xác định chính xác nhu cầu của thị trường lao động để DN "đặt hàng"; cần tăng cường thực hiện mô hình "trong DN có trường học, trong trường học có DN" để sinh viên được thực hành sớm nhất.
"Đối với việc thu hút nguồn nhân lực, cần khơi dậy niềm tự hào về quê hương xứ sở và có thêm nhiều chính sách ưu đãi, tạo động lực để các chuyên gia, nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đến làm việc. Các tỉnh, thành tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cũng là giải pháp để phát triển, thu hút được nhân tài về với địa phương" - bà Trinh nêu giải pháp.
Ở góc độ DN, ông Phạm Huy Thắng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển nông dược - Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, cho biết việc đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học để phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đang được DN của ông đặc biệt quan tâm. Công ty này hoạt động nhiều nơi ở ĐBSCL nên rất cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại.
"Do đó, nhiều năm nay, chúng tôi đã bắt tay với Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đưa ra thị trường lao động của vùng hàng ngàn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao. Tôi nghĩ càng nhiều DN đồng hành, hợp tác với các trường đại học thì ĐBSCL sẽ không thiếu nhân lực chất lượng cao" - ông Thắng nhận định.
Để giải bài toán nêu trên một cách căn cơ, theo TS Đỗ Thanh Vân, cần nhất là đẩy mạnh kết nối ĐBSCL với TP HCM ở mọi khía cạnh, trong đó quan trọng nhất là đào tạo và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, các bên nên cùng bắt tay dự báo về nhu cầu nhân lực và thị trường lao động để có chính sách phát triển bền vững nguồn nhân lực.
"Thêm nữa, để cân bằng cung - cầu lao động, những sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các địa phương ĐBSCL với TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... sẽ giúp NLĐ có việc làm, DN có nhân công" - ông Vân nhìn nhận.
TS NGUYỄN THÀNH NHÂN, TRƯỜNG ĐH CẦN THƠ: Tìm phương thức canh tác mới
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL gắn với biến đổi khí hậu bởi đây là vùng chịu ảnh hưởng rõ nhất. Thị trường tiêu thụ nông sản cũng thay đổi theo hướng sạch, bền vững. Vì thế, ĐBSCL đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho các thế mạnh nông nghiệp của mình. Trong đó, ĐBSCL rất cần nhân lực nghiên cứu khoa học để tìm ra những phương thức canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng nuôi trồng trên cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn.
Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp ĐBSCL tạo ra nhiều nông sản chất lượng cao và thủy sản sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính trên thế giới.
Ông DƯƠNG QUANG KHÁNH, Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển nhân lực LOGISTICS VIỆT NAM: Tập trung cho logistics
ĐBSCL đang thiếu nhân lực logistics nên nhiều năm qua, vùng này chưa khai thác hết tiềm năng kinh tế. Hệ thống cảng đường thủy, cảng hàng không, kho bãi, trung tâm phân phối hàng hóa đang phát triển rất nhanh tại ĐBSCL nhưng đa phần các DN khó tìm được nhân lực đáp ứng nhu cầu này.
Do vậy, trong thời gian tới, ĐBSCL cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực logistics. Các cơ sở đào tạo cần phối hợp với những DN trong ngành để tạo môi trường thực hành, cọ xát cho sinh viên.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/dau-tu-cho-nguon-nhan-luc-20230426203132687.htm