Đầu tư cho sức mạnh nội sinh…
Mục tiêu quan trọng mà Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được Quốc hội phê duyệt và có hiệu lực từ ngày 27-11-2024 là nhằm nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc…
Theo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, thời gian qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, lĩnh vực văn hóa đã được đầu tư, chú trọng phát triển. Trong đó có thể thấy rõ là từ Trung ương đến các địa phương đã có thêm nhiều công trình, thiết chế văn hóa được đầu tư quy mô, mang tầm vóc; các di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ, tôn tạo và ngày càng phát huy được giá trị. Đặc biệt, việc tổ chức các chương trình, ngày hội văn hóa diễn ra rộng khắp đã và đang góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân.
Đáng mừng là tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa không chỉ có Nhà nước, mà chúng ta đã huy động được thêm các nguồn lực từ bên ngoài xã hội. Nhờ đó, hoạt động văn hóa từng bước đa dạng hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là Việt Nam vẫn còn thiếu những chương trình nghệ thuật có quy mô, tầm vóc đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người dân. Điều này khiến cho nguồn lực không nhỏ “chảy máu” khi một bộ phận người dân sẵn sàng bỏ chi phí lớn sang nước ngoài xem show hoặc thưởng thức những chương trình triển lãm, nghệ thuật có thương hiệu.
Bên cạnh đó, khoảng cách hưởng thụ văn hóa của người dân giữa khu vực thành thị và nông thôn, vùng - miền… cũng còn có sự chênh lệch. Vì nhiều lý do, người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn là đối tượng còn chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng văn hóa. Do đó, cần những giải pháp khả thi, phù hợp thực tế hơn nữa đối với người dân ở từng khu vực, địa phương.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 ngay từ năm 2025, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không phải riêng ngành văn hóa. Muốn văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội thì văn hóa phải được quan tâm, đầu tư đúng, trúng, phù hợp nhằm phát huy được sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển…
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202502/dau-tu-cho-suc-manh-noi-sinh-83a7252/