Đầu tư cho văn hóa là điều vô cùng cần thiết và cấp thiết
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khi đề cập đến vấn đề đầu tư cho văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Tại buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra mới đây, nhiều văn nghệ sĩ đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, khát khao cống hiến của mình cho sự phát triển của đất nước.
350.000 tỉ đầu tư cho văn hóa vẫn là con số rất ít
Đề cập đến vấn đề đầu tư cho văn hóa, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, có nhiều người lên tiếng về con số 350.000 tỉ đồng chi cho việc chấn hưng văn hóa và cho rằng chúng ta tiêu quá nhiều tiền, thậm chí là lãng phí.
"Có một số người lên tiếng con số 350.000 tỉ chi cho việc chấn hưng văn hóa được đưa ra. Nhiều ý kiến, diễn đàn cho rằng tiêu quá nhiều tiền trong lúc nhân dân còn khó khăn" - ông Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, nhiều anh em trong giới văn chương, và cá nhân ông cho rằng 350.000 tỉ vẫn là con số rất ít. Bởi, để đầu tư văn hóa là vô cùng lớn.
"Đầu tư văn hóa không phải như việc trồng khoai, chỉ vài tháng là có thể dỡ được. Để thay đổi hành vi, hình thành nét đẹp trong văn hóa, ứng xử cũng phải mất tới hàng trăm năm.
Thi thoảng chúng ta vẫn thấy có người ném bọc rác ở nơi công cộng, việc này chỉ mất mười mấy giây. Nhưng để một người đi qua nhìn thấy bọc rác và tự động nhặt bỏ vào thùng rác lại không đơn giản, có khi phải mất hàng trăm năm. Đó là thời gian hình thành vẻ đẹp, hành vi văn hóa", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trăn trở.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Quang Thiều khẳng định đầu tư cho văn hóa là điều vô cùng cần thiết, và cấp thiết.
Ông cũng nhắc lại việc nhà thơ Hữu Thỉnh khi là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng phát biểu trên Quốc hội "nếu chúng ta tiết kiệm hay bớt một đồng chi cho văn hóa thì phải bỏ ra 1.000 đồng xây nhà tù.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách đầu tư hợp lý cho văn hóa. Khi chính trị bền vững, có vị thế trên toàn thế giới, cùng với một nền văn hóa bền vững sẽ là một quốc gia lớn mạnh.
"Chúng ta đã làm được quá nhiều việc ngoài sức tưởng tượng, thế nhưng trong văn hóa vẫn có những lỗ hổng cần hàn gắn, bằng sự đầu tư hợp lý" - ông bày tỏ.
Cần đổi mới chế độ đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng đối với văn nghệ sĩ
Nêu quan điểm của mình tại buổi gặp mặt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, các văn nghệ sĩ luôn trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhân dân.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, để có nhiều tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cần tiếp tục chăm lo đội ngũ để thúc đẩy sức sáng tạo, cống hiến của các văn nghệ sĩ.
Ông cho rằng các tài năng nghệ thuật trẻ cần được phát hiện sớm, đào tạo bồi dưỡng bài bản, được tôn vinh và được trọng dụng. Cần đổi mới chế độ đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng đối với văn nghệ sĩ; thu hút nhân tài người Việt trên thế giới để phục vụ, cống hiến cho nhân dân nước nhà.
Đồng thời, việc khen thưởng tài năng, tôn vinh sự nghiệp sáng tạo xuất sắc của văn nghệ sĩ cần được xem xét toàn diện, chặt chẽ, khoa học, công tâm, minh bạch và kịp thời.
Về cơ chế, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, cần đặt sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia, và là thành phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cũng chia sẻ tại buổi gặp mặt, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam bày tỏ sự xúc động trước tình cảm nồng ấm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ.
"Chính sự quan tâm và tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tạo thêm động lực để giới tri thức, khoa học, tinh hoa văn hóa nước nhà tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, có thêm nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của đất nước" - TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh./.
Trên cơ sở Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, được sự đồng ý của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan nghiên cứu bám sát quy trình xây dựng văn bản pháp luật để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Đến thời điểm này, sau nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, của các hiệp hội, địa phương, và qua vòng của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ VHTTDL đã hoàn tất được các bước và đang hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét.
Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hướng đến 7 mục tiêu tổng quát, 11 mục tiêu cụ thể với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp, đi kèm với đó là 9 đề án để tập trung vào việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững, góp phần để kiến tạo sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội.
Chương trình sẽ được phân kỳ trong từng giai đoạn 5 năm, trong đó nêu rõ từ 2025 đến 2030 phải làm gì và đạt được bao nhiêu chỉ tiêu, giai đoạn tiếp theo từ năm 2030 – 2035 là hoàn thành tổng thể các mục tiêu tổng quát để báo cáo với Quốc hội khi tổng kết chương trình./.