Đầu tư cơ sở hạ tầng, trường học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 và thúc đẩy phát triển kinh tế đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc thù, thời gian qua, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, các trường học trên địa bàn.
Năm 2023, Ban quản lý dự án huyện Phong Thổ được giao 64 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư cho 27 dự án. Qua khảo sát, Trường Trung học cơ sở (THCS) xã Mường So và Trường THCS xã Khổng Lào thiếu phòng học bộ môn cũng như các phòng học chức năng. Do nguồn kinh phí cấp chậm, UBND huyện Phong Thổ đã chỉ đạo Ban quản lý dự án huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân, ưu tiên xây dựng lớp học cho Trường THCS xã Khổng Lào gồm một nhà 3 tầng, 6 phòng học, sân, cổng, tường rào.
Dự án được khởi công vào tháng 11/2022, thời gian thi công là 12 tháng với kinh phí xây dựng là 7,6 tỷ đồng. Hiện nay, Ban quản lý dự án huyện Phong Thổ đang giám sát, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án (đã hoàn thành trên 50%).
Đến tháng 12/2022, Trường THCS xã Mường So với một dãy nhà 3 tầng, 8 phòng học, do Công ty TNHH Tân Tiến Điện Biên thi công đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc. Nhà thầu đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trước 4 tháng so với kế hoạch đề ra.
Thầy giáo Trần Văn Duy, Hiệu trưởng Trường THCS xã Mường So cho biết, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường được xây dựng mới một dãy phòng học bộ môn 3 tầng khang trang, giúp các em học sinh có chỗ học tập, đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đây là niềm mong mỏi của nhà trường, phụ huynh và học sinh. Có phòng học mới, trang thiết bị học tập hiện đại sẽ giúp các em tiếp cận được với kiến thức, kỹ năng và vận dụng kiến thức phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay.
Để đảm bảo tiến độ các dự án, cũng như kế hoạch giải ngân các nguồn vốn, Ban quản lý dự án huyện Phong Thổ phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai chủ trương các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết kịp thời những khúc mắc, sớm giao mặt bằng cho nhà thầu để triển khai thi công. Đồng thời, đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, vật tư, vật liệu tập trung thi công các dự án, đảm bảo tiến độ đề ra; lập hồ sơ nghiệm thu đảm bảo theo quy định. Đến hết tháng 4/2023, Ban quản lý dự án huyện Phong Thổ đã giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được 7,3 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch được giao.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Phong Thổ cho biết: Khi nhận được nguồn vốn giao, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ để giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất. Đến nay, tất cả các dự án đã được triển khai, đạt được tiến độ và kế hoạch vốn được giao.
Trong năm 2022, UBND huyện Phong Thổ đã phân bổ gần 87 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư gần 52 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 34 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, đạt 77,2%; vốn sự nghiệp giải ngân trên 5,5 tỷ đồng, đạt 16,1%. Năm 2023, huyện Phong Thổ đã phân bổ nguồn vốn với tổng kinh phí là 117 tỷ đồng và hơn 40 tỷ đồng chuyển tiếp nguồn từ năm 2022. Kết quả đến hết tháng 4/2023, giải ngân được 5,641 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện Phong Thổ gặp một số khó khăn, vướng mắc như nội dung văn bản chưa thống nhất, hay một số nội dung trong văn bản đã ban hành nhưng chưa phân bổ được nguồn vốn nên chưa triển khai được. Điển hình như thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 3) về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ và hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể...
Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, địa bàn huyện Phong Thổ rộng, có 16 xã và 1 thị trấn, nhiều địa bàn cách xa trung tâm, việc triển khai các dự án còn nhiều khó khăn, nhất là về đất nông nghiệp, đất sản xuất còn nhỏ lẻ, không tập trung, muốn trồng cây dược liệu quý cũng khó. Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa rõ ràng, khó thực hiện. "Chúng tôi mong trong thời gian tới, sớm có văn bản hướng dẫn triển khai để hoàn thành các mục tiêu theo đúng tiến độ" - bà Mai Thị Hồng Sim nói.
Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã tích hợp hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016-2020, kết hợp với một số chính sách mới, được thiết kế thành 10 dự án và 14 tiểu dự án với 36 nội dung, chính sách thành phần. Chương trình này được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 với giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.
Chương trình có mục tiêu chung là khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống bình quân của vùng với bình quân chung của cả nước, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, bố trí ổn định khu dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng đồng bộ hạ tầng liên vùng. Phát triển toàn diện giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.