Đầu tư cơ sở vật chất năm học mới

Xây dựng, sửa chữa phòng học, đầu tư mua sắm trang thiết bị, đã và đang được nhiều trường học triển khai, thực hiện để chào đón năm học mới 2024 - 2025.

Trường THCS Cẩm Thành với dãy nhà 2 tầng 8 phòng học đã xây dựng xong.

Trường THCS Cẩm Thành với dãy nhà 2 tầng 8 phòng học đã xây dựng xong.

Tôn nền, lát sân gạch, làm mương thoát nước, hay thay uống nước bình bằng hệ thống nước nóng lạnh... đây là những công việc đã được Trường Mầm non (MN) Hợp Thành (Triệu Sơn) thực hiện trong hơn 2 tháng qua tại khu Diễn Ngoại (trường có 2 khu: Diễn Ngoại và Diễn Hòa). Đặc biệt, trước thềm năm học mới, nhà trường đã đầu tư 2 tủ hấp khăn cho 2 khu. Đây cũng là trường MN đầu tiên ở huyện Triệu Sơn có tủ hấp khăn cho trẻ.

Trước đó, trong năm học 2023 - 2024, Trường MN Hợp Thành, khu Diễn Ngoại đã đầu tư máy điều hòa cho các phòng học, làm nhà vòm, hàng rào, lắp đặt hệ thống camera... “Mỗi năm học, nhà trường luôn có sự thay đổi về cơ sở vật chất, những gì còn thiếu, chưa có sẽ được bổ sung, hoàn thiện dần. Đồng hành, ủng hộ của phụ huynh học sinh đã góp phần quan trọng cho sự thay đổi này”, Hiệu trưởng Trường MN Hợp Thành, cô giáo Hà Thị Hòa cho biết.

Năm học 2024 - 2025, Trường MN Hợp Thành có 338 học sinh với 13 nhóm lớp. Năm học mới với nhiều cái mới là niềm vui, động lực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho cô và trò.

Trường MN Hợp Thành, trường MN đầu tiên của huyện Triệu Sơn có tủ hấp đa năng cho trẻ.

Trường MN Hợp Thành, trường MN đầu tiên của huyện Triệu Sơn có tủ hấp đa năng cho trẻ.

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Triệu Sơn, chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, huyện Triệu Sơn đã đầu tư kinh phí gần 32 tỷ đồng để xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện công tác chuyển đổi số.

Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm mức tối thiểu để tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Theo đó, huyện đã đầu tư xây mới 120 phòng học văn hóa và phòng học bộ môn, 20 phòng học thông minh, 100% các phòng học bậc THCS được đầu tư mic trợ giảng với tổng kinh phí hơn 71 tỷ đồng. Nói về điều này, ông Nguyễn Hoàng Tùng, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy, cho biết: “Đến thời điểm này, các công trình hạng mục được xây dựng tại các nhà trường đã cơ bản hoàn thành. Tăng cường cơ sở vật chất theo các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học trên địa bàn đã và đang từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay”.

Năm học vừa qua được xem là năm học đặc biệt khó khăn với cô và trò ở Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Thủy. Tại đây, 22 lớp học dồn thành 19 lớp, có những lớp 48 học sinh. Nguyên nhân dồn lớp do nhà trường đang xây dựng 1 dãy nhà 3 tầng 12 phòng và 1 dãy nhà 2 tầng 6 phòng. Những phòng học xây mới thay thế cho những dãy nhà cấp 4 trước đây đã xuống cấp. Hiện, các công trình đã hoàn thành trên 90%. Chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Thủy, cô giáo Nguyễn Thị Chung: “Trong cái khó, giáo viên, học sinh vẫn nỗ lực để hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Sau khi đưa vào sử dụng những phòng học mới này, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng 4 phòng chức năng”.

Lát nền cho lớp học ở Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Thủy.

Lát nền cho lớp học ở Trường Tiểu học thị trấn Cẩm Thủy.

Cũng trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, mới đây, Trường THCS Cẩm Thành đã xây dựng xong dãy nhà 2 tầng 8 phòng học. Trước đó, ở trên nền đất này là dãy nhà cấp 4 được xây dựng cách đây hơn 20 năm. Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Việt Quang phấn chấn, cho biết: “Giờ phòng học mới đã có, 13 lớp đầy đủ ti vi, máy chiếu, mic trợ giảng. Năm học này, nhà trường lại được đầu tư 1 phòng học thông minh. Hy vọng, năm học mới với nhiều khởi sắc cho nhà trường”.

Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức, rà soát đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có. Trên cơ sở đó điều chỉnh, bố trí sắp xếp các hạng mục công trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Đồng thời, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng...; tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học, bảo đảm đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các hạng mục công trình, không đưa vào sử dụng các hạng mục công trình xây dựng đã hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm an toàn...

Thông tin từ Sở GD&ĐT, năm học 2024 - 2025, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học khoảng 600 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị và chuyển đổi số khoảng 280 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dau-tu-co-so-vat-chat-nam-hoc-moi-32421.htm