Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa

Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Điều này nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, gồm: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân; Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chương trình cũng thiết kế với 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035, có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Cho ý kiến về các mục tiêu tổng quát và nhóm mục tiêu cụ thể của Chương trình, một số đại biểu Quốc hội đánh giá, các mục tiêu của Chương trình được xây dựng dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình. Trong đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình khá nhiều, có những nội dung đã bao quát các mục tiêu còn lại, có những nội dung là mục tiêu cụ thể.

 Chính phủ trình Quốc hội Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Chính phủ trình Quốc hội Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Các đại biểu cũng nêu quan điểm mục tiêu cụ thể cần hướng đến việc thực hiện mục tiêu tổng quát, bảo đảm tính khả thi, phù hợp hơn với thực tiễn và khả năng nguồn lực đầu tư. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, sẽ xây dựng các giải pháp và xác định nguồn lực, tiến độ thực hiện để đạt được mục tiêu. Do vậy, Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể và có số liệu đầy đủ về hiện trạng; bổ sung nhận định làm cơ sở đề xuất hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu; bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đánh giá cao sự đầu tư, nghiên cứu, xây dựng Chương trình của Chính phủ với 7 nhóm mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể, 10 nội dung thành phần, 135 chỉ tiêu, 42 nhiệm vụ cụ thể và 186 hoạt động chi tiết thực hiện trong hai giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2030 - 2035. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát, giảm thiểu sự trùng lặp về nội dung trong các chương trình đang triển khai thực hiện. Mặt khác, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính độc lập tương đối của Chương trình nhưng cũng phải tranh thủ nguồn lực phù hợp từ các chương trình khác.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu).

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu).

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cũng thống nhất với các mục tiêu chung như Chính phủ trình đã đặt đúng tầm quốc gia, tuy nhiên, khi nghiên cứu các mục tiêu cụ thể, đại biểu cho rằng, giữa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể chưa ăn nhập với nhau.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn lấy ví dụ mục tiêu tổng quát nêu: “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam”, nhưng với 9 nhóm mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành 100% xây dựng, ban hành các bộ quy tắc ứng xử phù hợp với địa phương; hay mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo... lại không ăn nhập với mục tiêu tổng quát. Đại biểu bày tỏ lo ngại nếu không cẩn thận sẽ không giữ được văn hóa như khi chưa đầu tư, do đó cần nhấn mạnh đến quan điểm bảo tồn, phát huy giá trị, bởi có những di tích tuy nhỏ nhưng là di sản, nếu xây dựng lớn hơn thì không còn là di tích, di sản nữa.

“Đề nghị cần xây dựng chương trình về văn hóa quốc gia, lựa chọn những vấn đề lớn, cần sự tham gia của Nhà nước và nâng tầm văn hóa, duy trì và phát triển văn hóa, đây mới là mục tiêu quan trọng, không nên đưa các mục tiêu như có bao nhiêu phim tham gia liên hoan phim quốc tế, mà cần xây dựng những cơ chế, chính sách pháp lý để tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho văn hóa phát triển”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nêu ý kiến.

 Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) phát biểu tại buổi họp tổ.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) phát biểu tại buổi họp tổ.

Quan tâm đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) cho rằng, trong 7 mục tiêu tổng quát của chương trình, cơ quan soạn thảo cần xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại đang tồn tại và được thực hành có ý nghĩa giá trị đối với cộng đồng xã hội. Cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Từ đó, chúng ta cần quan tâm, ưu tiên về nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-tu-co-trong-tam-trong-diem-chat-luong-hieu-qua-cho-phat-trien-van-hoa-post299682.html