Đầu tư công đã vào guồng
Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) đánh giá, với sự quyết liệt triển khai của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hoạt động đầu tư công đã vào guồng.
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, thưa bà, đã đến lúc, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; còn cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các dự ánđầu tư công?
Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp. Trong 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 59.800 tỷ đồng, tương đương 8,4% kế hoạch, tăng 2,1% (2.900 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, đặc biệt là tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng chậm, phản ánh rõ nét khả năng hấp thụ vốn thấp. Tín dụng tăng trưởng thấp cho thấy rõ, khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, từ đó giảm động lực đầu tư mới và mở rộng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, việc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm là yếu tố quan trọng nhằm tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành kinh tế, từ đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo.
Về tỷ trọng giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch, 2 tháng đầu năm nay chỉ nhỉnh hơn những năm trước không đáng kể, nhưng về chất lượng đã có sự cải thiện rõ rệt, thưa bà?
Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 5/1/2024) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 không chỉ nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch, mà còn nhấn mạnh việc triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nghị quyết này cũng yêu cầu phải tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn từ dự án không giải ngân được sang dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả.
Triển khai dự án đầu tư công năm 2023 đã bộc lộ hạn chế là, khi các dự án đang chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch, thì xảy ra tình trạng thiếu mỏ vật liệu (cát san nền). Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm nay, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.
Thưa bà, thực tế triển khai dự án đầu tư công, khi vướng mắc này được tháo gỡ, lại xuất hiện vướng mắc khác. Làm thế nào để tránh tình trạng trên?
Tôi cho rằng, cần phải tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, đến quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng. Xử lý toàn bộ vướng mắc ở tất cả các lĩnh vực, gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản..., vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.
Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phân giao xong vốn đầu tư công năm 2024 cho các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024, tránh tình trạng đến giữa năm vẫn chưa phân giao hết kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao mức độ sẵn sàng, khả năng triển khai dự án, tích cực thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, không để chậm trễ.
Theo tôi được biết, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng là, lãnh đạo các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phải bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư tập trung triển khai ngay việc thực hiện dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với dự án, công trình chuyển tiếp; tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án quan trọng, cấp thiết đang đầu tư dở dang; dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2024.
Đầu tư công gắn liền với “sinh mệnh chính trị” của lãnh đạo địa phương. Thưa bà, nếu không có giải pháp tổng thể, thì tình trạng thiếu vật liệu vẫn có thể diễn ra, vì địa phương nào cũng muốn giữ nguồn vật liệu để phục vụ công trình, dự án ở địa phương mình?
Phải tăng cường phối hợp, làm việc giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giải quyết vướng mắc phát sinh, đảm bảo hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn. UBND cấp tỉnh cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ dự án đầu tư công; cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng, đảm bảo đúng quy định của Luật Xây dựng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, thủ tục liên quan đến quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, sỏi, đất phục vụ dự án đầu tư công, đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Vốn đầu tư công chỉ có hạn, để bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng vững chắc và ổn định, không thể quá phụ thuộc vào đầu tư công, thưa bà?
Tính bình quân giai đoạn 2020-2023, trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thì vốn của khu vực nhà nước chiếm 26,2%; vốn của khu vực tư nhân chiếm 57,6%; vốn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm trên 16%. Trong vốn của khu vực nhà nước, vốn đầu tư công từ nguồn NSNN chiếm gần 63%, tương đương 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Như vậy, mặc dù nguồn vốn đầu tư công rất quan trọng, song nguồn vốn này cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội và là có hạn, nên được nhìn nhận như nguồn vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài có dư địa rất lớn, luôn chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nên Nhà nước cần có các chính sách, giải pháp hữu hiệu để gia tăng thu hút và sử dụng có hiệu quả 2 nguồn vốn này trong thời gian tới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tu-cong-da-vao-guong-d209953.html