Đầu tư công đang 'tỏa sáng': Cực tăng trưởng mới của nền kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thì đầu tư công đang 'tỏa sáng' và đang tạo thành một cực tăng trưởng mới trong nền kinh tế.

Đầu tư công đang “tỏa sáng”

Trong vài năm gần đây, đầu tư công được Chính phủ rất quan tâm và đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo điều hành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả cho thấy trong những năm gần đây, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện.

Cụ thể nhất là năm 2023, một năm đặc biệt với số vốn giải ngân đầu tư công rất lớn, tỷ lệ chúng ta đạt gần 95%. Đây là con số hết sức ấn tượng, chúng ta có thể hài lòng so với mục tiêu đã đề ra.

Bước sang 2024, yêu cầu về các động lực thúc đẩy tăng trưởng tăng mạnh hơn, nhanh hơn; trong đó đầu tư công cũng vậy. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt về tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

 Thúc đẩy đầu tư công thường được coi là một trong những công cụ chính sách quan trọng, nhằm tác động lan tỏa tới các ngành, nghề kinh tế hồi phục và phát triển. Ảnh: LĐ

Thúc đẩy đầu tư công thường được coi là một trong những công cụ chính sách quan trọng, nhằm tác động lan tỏa tới các ngành, nghề kinh tế hồi phục và phát triển. Ảnh: LĐ

Theo báo cáo vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính cho biết: Tỷ lệ vốn đầu tư công 4 tháng gần 116.000 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch và 17,46% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước tính 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, trong 4 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có 60 cuộc làm việc với các địa phương và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.

Một trong những “điểm sáng” của đầu tư công trong thời gian qua chính là dự án Đường dây 500kW mạch 3, đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối (Hưng Yên). Dự án này đang được thực hiện vượt tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện trước ngày 30/6.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá: Trong thời gian gần đây, đầu tư công đã có những thành công đáng kể.

Một trong số thành công có thể nhìn thấy được như: Hệ thống đường giao thông, hệ thống điện đã có sự nâng cấp đáng kể. Ngoài ra, đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị cũng làm rất tốt.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực đầu tư công Việt Nam thực hiện chưa được tốt, như hạ tầng xử lý rác thải, đảm bảo môi trường đô thị. Do đó, có thể thấy vẫn còn nhiều dư địa đối với đầu tư công để Chính phủ có thể triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Riêng với dự án Đường dây 500kW mạch 3, ông Hùng cho rằng: Từ nay tới thời điểm cuối được Chính phủ giao là ngày 30/6 còn 1 tháng nữa, dự án vẫn còn nhiều hạng mục cần hoàn thiện.

“Mặc dù chưa rõ có đạt được tiến độ đề ra hay không, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy hiệu quả, chứng tỏ rằng nếu Việt Nam quyết liệt trong vấn đề giải ngân đầu tư công, thì hoàn toàn có thể đáp ứng được các chỉ tiêu đã đặt ra” - ông Hùng nói.

Chia sẻ những kết quả tích cực của đầu tư công trong vài năm gần đây, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Phải nói rằng các giải pháp trong chỉ đạo điều hành trong những năm vừa qua mà Chính phủ áp dụng và triển khai hết sức quyết liệt.

Từ 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân thì đã trở thành 26 tổ, do các đồng chí Bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng để đi đôn đốc tất cả các giải pháp trong đó có đầu tư công. Ngoài ra có rất nhiều các Nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trong chỉ đạo điều hành.

Bên cạnh đó, sự tự giác, sự quyết liệt ở các đơn vị tổ chức, các Bộ, ngành địa phương trong việc tổ chức triển khai thi công các công trình.

“Chúng ta thấy được không khí làm việc trên công trường và chúng ta vẫn thường quen với câu nói mà Thủ tướng vẫn hay nói là “thi công 3 ca 4 kíp”, “vượt nắng mưa”… Hầu như tất cả những trở ngại thông thường đối với các công trường thi công đều có những giải pháp để vượt qua, để làm sao thi công nhanh nhất, tốt nhất và đạt khối lượng cao nhất, từ đó chúng ta có thể thấy rằng mức vốn giải ngân nó sẽ tăng theo. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng” - ông Phương nói.

Ngoài ra, các giải pháp về mặt phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, trung ương địa phương trong việc xử lý các tình huống. Trong đầu tư công có vô vàn các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện như điều chỉnh dự án, thay đổi các cơ chế chính sách hay các giải pháp...

“Rõ ràng một cơ quan không làm được mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Và mỗi một giải pháp hiện nay, mỗi một cái thay đổi điều chỉnh đều có những quy định cụ thể, rõ ràng và phải thực hiện các quy trình đó. Điều quan trọng nhất là phải nhanh thì chúng ta mới có thể làm cho quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng” - ông Phương nói.

Đầu tư công: Cực tăng trưởng mới của nền kinh tế

Hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình đầu tư công, vừa giúp kích cầu trước mắt, vừa tạo điều kiện để có hạ tầng tốt hơn, từ đó có thể tạo ra cú hích cho tăng trưởng trong dài hạn.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng, thúc đẩy đầu tư công thường được coi là một trong những công cụ chính sách quan trọng, nhằm tác động lan tỏa tới các ngành, nghề kinh tế hồi phục và phát triển.

 Đầu tư công được Chính phủ rất quan tâm và đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo điều hành. Nguồn: HP

Đầu tư công được Chính phủ rất quan tâm và đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo điều hành. Nguồn: HP

Bên cạnh đó, khi đầu tư tư nhân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, đầu tư công sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng để bù đắp cho đầu tư tư nhân.

Theo ông Bình, đầu tư công còn có ý nghĩa tạo dựng không gian tăng trưởng mới tại các địa bàn, khu vực địa lý mới, tạo không gian cho kinh tế số, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn. Đây là vai trò của đầu tư công mà đầu tư tư nhân chưa thể thay thế.

Với hiệu ứng lan tỏa, đầu tư công vào các công trình trọng điểm, sẽ tạo ra không gian tăng trưởng mới về cả phương diện địa lý, không gian và thời gian. Nó sẽ mở đường, dẫn dắt, kích thích đầu tư tư nhân, phát huy mạnh mẽ đầu tư theo các hình thức đối tác công tư (PPP).

“Do vậy, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong năm 2024, đồng thời nó cũng có thể được sử dụng như đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư tư nhân” - ông Bình nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, TS. Lê Duy Bình cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương, đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế.

Đầu tư công cần được tập trung vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.

“Đầu tư công do vậy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ đơn thuần vào việc gia tăng về số lượng và tăng trưởng GDP” - ông Bình nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-tu-cong-dang-toa-sang-cuc-tang-truong-moi-cua-nen-kinh-te-post297391.html