Đầu tư công là động lực phát triển kinh tế các địa phương
Năm 2024, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công, chủ yếu là đầu tư hạ tầng giao thông và Chính phủ phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Hiện nhiều tỉnh, thành đã xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từ đó có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công hai tháng năm 2024 đạt 8,7% tổng kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 9,13%, tăng so cùng kỳ năm 2023.
Cùng với hiệu quả thúc đẩy động lực tăng trưởng, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, giảm giá thành đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Qua đó, tạo không gian phát triển mới vì đường đi đến đâu, mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…
Năm 2024 được xem là năm bản lề để hoàn thành kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhưng trên mức nền cao của năm 2023 với các dự án giao thông quan trọng được giải ngân vốn mạnh trong năm 2023 gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (32,5 nghìn tỷ đồng); hoàn thiện Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (10,8 nghìn tỷ đồng); chi bồi thường giải phóng mặt bằng Vành đai 4 - Hà Nội và Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh (19,8 nghìn tỷ đồng),...
Tại tỉnh Đồng Nai, tỉnh bổ sung khoảng 4,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 cho các công trình, dự án trọng điểm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Trước đó, các dự án trọng điểm đã được bố trí hơn 1 nghìn tỷ đồng. Như vậy, năm 2024 nguồn vốn cho các dự án trọng điểm của Đồng Nai gần 6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2023.
Cùng khu vực Đông Nam Bộ, năm 2024 là thời điểm các công trình trọng điểm ở tỉnh Bình Dương bước vào giai đoạn cao điểm triển khai thi công, đồng thời cũng là năm thứ tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2025. Do đó cần tập trung cho nhiều công trình dự án chuyển tiếp từ đầu nhiệm kỳ chuẩn bị hoàn tất, năm 2024 cũng là năm bắt đầu chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026 - 2030.
Hiện tại, tiến độ các công trình trọng điểm cũng được đẩy nhanh thực hiện ở tỉnh Bình Dương như: khởi công được một số hạng mục thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, bố trí đủ vốn và đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, đường ĐT.746,… Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư và nguồn vốn để thực hiện các công trình như đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…
Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng khác đang được triển khai các bước đầu tư như: Dự án đường ven sông Sài Gòn, nút giao Sóng Thần, nâng cấp mở rộng đường An Bình và kết nối cầu vượt Sóng Thần, xây dựng hầm chui tại nút giao Ngã 5 Phước Kiến, cảng An Tây, cảng An Sơn. Các dự án: BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) đang được triển khai thi công, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông đô thị. Từ đó, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán. Tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án.
Lãnh đạo thành phố Thủ Đức, 21 quận, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng ban, đơn vị, chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng của địa phương giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từng dự án thuộc thẩm quyền.
Tại tỉnh Đồng Nai, để đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác, giao trách nhiệm từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách theo dõi, đôn đốc các công trình.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu cơ quan chuyên môn phải nỗ lực rút ngắn tối đa thời gian thẩm định hồ sơ; đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, cản trở tiến độ giao, giải ngân vốn. Đồng thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công.
Các Ban Quản lý dự án của tỉnh Đồng Nai phải xây dựng lại đường găng tiến độ của từng dự án, gắn với đường găng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương. Tập trung nguồn lực xây dựng khu tái định cư sẵn sàng di dời dân khi thực hiện dự án; quản lý chặt chẽ đất đai, xây dựng nhằm tạo thuận lợi trong quá trình bồi thường, hỗ trợ.
Để giải ngân nguồn vốn ngay từ những tháng đầu của năm, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc điều hành đầu tư công năm 2024. Theo đó, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án được giao theo từng tháng, nhất là danh mục các dự án đã được HĐND tỉnh gia hạn thời gian bố trí vốn; trong đó, nêu rõ tiến độ công việc, lũy kế giải ngân hàng tháng và bảo đảm khởi công các dự án trong danh mục khởi công mới trong 6 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư chỉ được tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp của dự án khi đã có đủ mặt bằng để triển khai thi công theo tiến độ được duyệt. Các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng đất,… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Tỉnh tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc thực hiện.