Đầu tư công: Quyết tâm về đích
Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tiếp tục diễn biến tích cực, song còn nhiều khó khăn, đầu tư công được kỳ vọng là 'mũi tên đi trước' dẫn dắt tăng trưởng. Bốn tháng đầu năm 2025 đã trôi qua, tiến độ giải ngân tuy còn thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ và nỗ lực cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, có cơ sở để kỳ vọng dòng vốn đầu tư công sẽ 'chạy' đúng hướng, đúng nhịp và cán đích 100% theo kế hoạch.
Giao vốn đầy đủ, giải ngân còn xa
Tại các Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 và số 154/QĐ-TTg ngày 4/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương là 825.922,269 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch vốn năm 2025 đã được Quốc hội phân bổ). Nhưng khi xuống chi tiết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tốc độ phân bổ và giải ngân lại chưa như kỳ vọng. Cụ thể về phân bổ, tính đến ngày 15/3/2025 (đây là thời điểm Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành việc phân bổ toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025), các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới chỉ phân bổ được 773.824 tỷ đồng, tức là vẫn còn gần 52.100 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết. Đến cuối tháng 4, con số này đã giảm đáng kể, chỉ còn lại khoảng 8.263 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở 17 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương. Dù đây là tín hiệu tích cực cho thấy các đơn vị đã có chuyển biến rõ rệt trong việc khẩn trương hoàn thiện phân bổ, nhưng nhìn tổng thể, tiến độ ấy vẫn chưa đủ để giải tỏa tâm lý “đến hẹn lại lo” mỗi khi nói tới đầu tư công.
Về giải ngân số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân thực tế đến hết tháng 4 đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao - thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (16,64%). Đáng chú ý, khối vốn ngân sách trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn đáng kể (13,33%), trong khi vốn ngân sách địa phương ghi nhận mức khá hơn, đạt 17,2%. Đặc biệt, vốn dành cho ba chương trình mục tiêu quốc gia ghi nhận tín hiệu tích cực khi đạt hơn 21%.
Một điểm sáng cần được nhấn mạnh là một số bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực “vượt sóng”, vươn lên tốp đầu giải ngân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đạt 86,43%, Đài Tiếng nói Việt Nam 73,82%, Ngân hàng Chính sách xã hội 41,16%... Ở nhóm địa phương, Phú Thọ (44,39%), Lào Cai (43,45%) và Thanh Hóa (39,15%) là những cái tên dẫn đầu. Những con số này cho thấy nếu quyết liệt vào cuộc, vốn đầu tư công hoàn toàn có thể được triển khai hiệu quả. Song bên cạnh đó, vẫn còn những “vùng trũng” khiến bức tranh giải ngân chưa trọn vẹn: Còn tới 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân được đồng nào; và vẫn có tới 15 bộ và 12 địa phương khác có tỷ lệ giải ngân dưới 5% và 10% - mức rất thấp trong bối cảnh thời gian không chờ đợi.
Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ phần nhiều đến từ yếu tố khách quan như việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, mô hình chính quyền hai cấp, tất yếu kéo theo những điều chỉnh trong việc phân giao vốn, điều chỉnh hồ sơ… Cùng với đó, vẫn có những dự án còn vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng dẫn tới sự chậm trễ trong triển khai. Dù những “điểm nghẽn” như vậy không phải là điều bất ngờ, song cách tháo gỡ quan trọng nhất nằm ở tính kỷ luật trong thực thi, ở quyết tâm hành động từ người đứng đầu mỗi bộ, ngành, địa phương.

Giải ngân đầu tư công là thước đo chất lượng điều hành
Hành động đồng bộ, dồn lực về đích
Giữa những khó khăn ấy, Chính phủ tiếp tục cho thấy quyết tâm nhất quán. Liên tiếp trong các cuộc họp và chỉ đạo gần đây, như mới đây nhất tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 và Công điện số 60/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, một “mệnh lệnh hành động” được đưa ra là toàn hệ thống chính trị và bộ máy phải vào cuộc để đạt mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Trong đó, điểm nhấn đầu tiên là yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là thước đo năng lực điều hành, tổ chức thực thi. Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu chi tiết về tiến độ: xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý cho từng dự án. Trong quá trình thực hiện, cần chủ động điều chuyển vốn từ các dự án chậm sang những dự án có khả năng giải ngân tốt hơn – thay vì chờ đợi hay xin gia hạn. Đặc biệt, các khâu then chốt như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thi công… phải được đẩy nhanh, tránh để vốn “nằm chờ” vì thủ tục. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2025 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 25/5/2025 theo đúng quy định. Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.

Ở tầm cao hơn, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ như Tài chính, Xây dựng, Nội vụ rà soát lại các quy định pháp lý đang gây cản trở cho giải ngân – từ nghị định, thông tư đến hướng dẫn thi hành. Những gì trong thẩm quyền thì chủ động sửa đổi; những gì vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo cấp cao hơn. Đây là cách tiếp cận linh hoạt, không để pháp luật trở thành rào cản thay vì là công cụ phát triển. Một điểm sáng trong chỉ đạo điều hành là yêu cầu phát huy cơ chế “6 rõ” – rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả. Mỗi dự án, mỗi gói thầu đều phải có người chịu trách nhiệm cụ thể, có lộ trình rõ ràng và kiểm tra thường xuyên. Sự vào cuộc của các Tổ công tác giải ngân đầu tư công do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đứng đầu sẽ là công cụ mạnh mẽ để đôn đốc, giám sát, xử lý ngay từ cơ sở.
Giải ngân đầu tư công không phải là cuộc đua số liệu mà là thước đo chất lượng điều hành. Mỗi đồng vốn được giải ngân đúng lúc, đúng chỗ là một mũi tiêm kích thích cho nền kinh tế, là một công trình hạ tầng được đẩy nhanh tiến độ, là một cơ hội việc làm được tạo ra. Khi Chính phủ đã quyết tâm, điều còn lại là sự chuyển động thực chất từ từng bộ, từng địa phương. Đồng vốn không thể nằm chờ. Cỗ máy kinh tế không thể chậm lại vì sự chậm trễ trong tổ chức thực thi.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dau-tu-cong-quyet-tam-ve-dich-164072.html