Nhà sản xuất dồn sức mở rộng thị trường

Nhận định môi trường kinh doanh, đặc biệt từ ngoài nước sẽ có những khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, qua đó duy trì đà tăng trưởng.

Các doanh nghiệp dệt may đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước

Các doanh nghiệp dệt may đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước

Tín hiệu khả quan từ kết quả kinh doanh quý I/2025

Nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất ghi nhận lợi nhuận quý I/2025 tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm chưa chịu tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Cụ thể, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã TCM) đạt hơn 1.010 tỷ đồng doanh thu và 78,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm 2025, lần lượt tăng 8% và 25% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này đến từ việc kiểm soát tốt chi phí, tăng tốc độ sản xuất, rút ngắn thời gian giao hàng…

Trong quý này, Dệt may Thành Công xuất khẩu vào khoảng 40 quốc gia trên thế giới, trong đó xuất sang thị trường châu Á chiếm 74,9%, châu Mỹ chiếm 19,4%, châu Âu chiếm 6,4%. Hiện tại, đầu tháng 5/2025, Công ty đã có đơn hàng tương đương 86% kế hoạch doanh thu quý II/2025 và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý III/2025.

Dự báo, kể từ quý III/2025, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ gặp khó khăn tại thị trường Mỹ, khi chính sách thuế quan mới của nước này với mức thuế đối ứng cao được áp dụng. Mặc dù vậy, Dệt may Thành Công vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cho năm 2025, với mục tiêu đạt doanh thu 4.525,4 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận sau thuế 278,7 tỷ đồng, tăng 5% so với mức thực hiện năm 2024.

Dệt may Thành Công cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, trong đó đẩy mạnh tìm kiếm và mở rộng xuất khẩu sang EU, các nước CPTTP, Trung Đông, Nam Mỹ… nhằm bù đắp cho sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường Mỹ.

Cùng ngành dệt may, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) ghi nhận doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 43 tỷ đồng trong quý I/2025, lần lượt tăng 31% và 1% so với cùng kỳ năm 2024.

Đầu tư và Thương mại TNG nhận định, Mỹ là thị trường tiêu thụ dệt may lớn nhất thế giới, sức mua trong ngắn hạn có thể giảm khi thuế quan tăng, khiến lạm phát và giá bán tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi kinh tế nước này phục hồi, chuỗi cung ứng ổn định, sức mua sẽ tăng trở lại, đặc biệt đối với các sản phẩm may mặc bền vững có giá hợp lý.

Trong khi đó, Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) đạt hơn 1.036 tỷ đồng doanh thu và 87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2025, lần lượt tăng 34,5% và 82,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty hiện đã nhận đủ đơn hàng cho quý II/2025, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đơn hàng tại thị trường Mỹ trong bối cảnh ngành dệt may Trung Quốc gặp khó khăn vì cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ở lĩnh vực chế biến gỗ, Công ty cổ phần Phú Tài (mã PTB) ghi nhận 1.620 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2025, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm nay đạt 113 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất trong 7 quý trở lại đây.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), sản lượng tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Phú Tài sẽ tiếp tục tăng trong quý II/2025, nhờ xu hướng tích trữ hàng tồn kho trong thời gian Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày (kể từ ngày 9/4/2025).

Mở rộng thị trường để tạo dư địa tăng trưởng

Dự báo, kể từ quý III/2025, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ gặp khó khăn tại thị trường Mỹ.

Để duy trì đà tăng trưởng, Dệt may Thành Công cho biết, Công ty sẽ chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tập trung cải thiện năng suất, tối ưu hóa chi phí, phát triển thị trường nội địa. Trong đó, doanh nghiệp sẽ chú trọng khâu thiết kế (ODM), đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ sản xuất để đưa ra những sản phẩm chất lượng, mang giá trị gia tăng cao; nỗ lực rút ngắn thời gian sản xuất và giao hàng; đưa nhãn hàng thời trang Who Are You và các nhãn hàng khác vào thị trường Việt Nam trong năm 2025 và những năm tới. Bên cạnh mảng dệt may, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển dự án bất động sản TC Tower tại quận Tân Phú, TP.HCM, nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh và tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông, nhà đầu tư.

Phú Tài cũng xác định sẽ tập trung vào thị trường nội địa khi thị trường xuất khẩu chính là Mỹ có nguy cơ suy giảm nhu cầu vì thuế quan. MBS nhận định, sản lượng xuất khẩu của Phú Tài có thể sụt giảm, nhưng nhu cầu tiêu thụ nội địa nhiều khả năng sẽ được cải thiện nhờ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ và kỳ vọng nguồn cung căn hộ mới gia tăng tại khu vực TP.HCM.

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, Phú Tài có kế hoạch hướng đến các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu, với sản phẩm viên nén gỗ xuất khẩu. MBS thông tin, Phú Tài dự kiến xuất khẩu viên nén gỗ từ tháng 6/2025, kỳ vọng đóng góp 126,7 tỷ đồng doanh thu trong năm 2025 và 215,4 tỷ đồng doanh thu trong năm 2026.

Mục tiêu kinh doanh năm 2025 của Phú Tài đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua là đạt doanh thu 6.670 tỷ đồng, tương đương năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 477 tỷ đồng, tăng 1% so với năm ngoái.

Tại Đầu tư và Thương mại TNG, để đảm bảo tăng trưởng trong năm nay với mục tiêu đạt doanh thu 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng (tăng lần lượt 5,8% và 8,2% so với mức thực hiện năm ngoái), giải pháp mà doanh nghiệp đề ra là cải tiến công nghệ, quy trình, cắt giảm chi phí, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc tăng hàm lượng chất xám, cùng khách hàng thiết kế, phát triển sản phẩm. Đồng thời, phát triển thêm thị trường các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó tập trung tăng tỷ trọng khách hàng châu Âu, Nga, Nhật Bản.

Đầu tư và Thương mại cho hay, doanh nghiệp đang sản xuất đơn hàng cho tháng 7 - 8/2025, một số khách hàng châu Âu đã đặt hàng đến tháng 10/2025. Công ty sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động.

Theo chuyên gia tài chính độc lập Trịnh Hà, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn có lợi thế về chi phí mặt bằng, chi phí nhân công rẻ, nhưng để cạnh tranh bền vững, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào công nghệ và nâng cao trình độ sản xuất. Việc đào tạo kỹ năng cho người lao động nhằm sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là yếu tố then chốt để thích ứng với bối cảnh thương mại quốc tế thay đổi nhanh chóng.

Tăng cường nội lực, đầu tư đúng hướng và chủ động mở rộng thị trường sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam vững vàng bứt phá trong giai đoạn tới - cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nha-san-xuat-don-suc-mo-rong-thi-truong-post369052.html