Đầu tư công: Tránh tình trạng 'đầu năm thong thả, cuối năm vất vả'
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ xác định, đầu tư công là một trong những lĩnh vực vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 diễn ra chiều tối nay (1/2), lĩnh vực đầu tư công được báo chí quan tâm. Phóng viên đặt vấn đề: Liên quan đến vốn đầu tư công, Thủ tướng đã có chỉ đạo thực hiện việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công trong những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, tránh tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả". Từ đầu tháng 1 đến nay, tình hình phân bổ và giải ngân như thế nào? Và tới đây có giải pháp gì mang tính đột phá để thúc đẩy việc giải ngân nhanh hơn, hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đề ra?
Trả lời các câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung nêu rõ: Đầu tư công là một trong những nội dung Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao trong suốt thời gian qua. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ xác định, đầu tư công là một trong những lĩnh vực vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong phát triển.
Trong những năm qua, đối với vốn đầu tư công, ngay trước 31/12 của năm trước, Chính phủ đều giao 100% số vốn sau khi Quốc hội quyết định. Năm nay với số vốn 657 nghìn tỷ đồng, đến giờ phút này Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ cùng các cơ quan Trung ương và địa phương tổng số vốn khoảng 97% (622 nghìn tỷ đồng). So với năm 2023 vừa qua, đầu năm chúng ta chỉ đạt hơn 78%. Số vốn giao ngay từ đầu năm cao như vậy đã phản ánh ngay trong kết quả giải ngân tháng 1/2024. Trong tháng 1/2024, số giải ngân cả thuế theo số liệu của Bộ Tài chính đạt 2,58%, cao hơn so với cùng kỳ cả số tương đối và số tuyệt đối. Cùng kỳ chúng ta chỉ đạt 1,8%, số giải ngân 12.800 tỷ. Riêng tháng 1/2024 đã đạt khoảng 16.900 tỷ.
"Kết quả này đạt được là nhờ quá trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao, xác định rõ vấn đề vướng mắc, khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong từng khâu của dự án đầu tư công. Đầu tư công không phải liên quan đến một luật mà là một chuỗi các quá trình hoạt động liên quan đến rất nhiều quy định pháp luật, từ đất đai đến môi trường, xây dựng, quản lý rừng, ngân sách… Những điểm nút này, vướng mắc, khó khăn chính là vấn đề Chính phủ tập trung giải quyết và đem lại kết quả ngay từ đầu năm rất đáng khích lệ", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT lất ví dụ trong năm 2023, đối với các công trình dự án lớn về giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 106 về cơ chế chính sách và các chính sách đặc thù đối với việc thực hiện các dự án giao thông đường bộ liên quan đến các quy định pháp luật khác nhau. Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết 16 để cụ thể hóa triển khai.
"Đây là những giải pháp cụ thể nhất cũng như là những hoạt động Chính phủ giao cho các cơ quan Trung ương, địa phương cùng các tổ công tác triển khai. Có thể nói, có những giải pháp chúng ta đã làm từ ngay đầu nhiệm kỳ và trong những năm 2021 – 2023 đến nay, và có những giải pháp đột phá để giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là thể chế. Bên cạnh đó, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên thực tế như vấn đề nguồn đất, vật liệu thay thế...", ông Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Với những giải pháp này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT kỳ vọng sẽ giải quyết được khó khăn trong các dự án. "Hiện nay năm 2024 về cơ bản các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn có tính lan tỏa, liên kết vùng đã cơ bản được khắc phục. Đây là tiền đề để chúng ta có thể đẩy nhanh và hoàn toàn hy vọng, có niềm tin, cơ sở trong năm 2024 chúng ta có thể giải ngân được tốt vốn đầu tư công", ông Đỗ Thành Trung tin tưởng.