Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh

Báo The New York Times ghi nhận, nỗi ngờ vực lẫn nhau ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm giảm đáng kể dòng tiền Trung Quốc đổ vào Mỹ, giảm tới 90% kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống hai năm rưỡi trước đây.

 Một phái đoàn Trung Quốc thăm một trang trại trồng đậu nành ở bang Montana, Mỹ. Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 90% trong hai năm qua. Ảnh: Reuters

Một phái đoàn Trung Quốc thăm một trang trại trồng đậu nành ở bang Montana, Mỹ. Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 90% trong hai năm qua. Ảnh: Reuters

Báo này dẫn số liệu của Rhodium Group - một hãng nghiên cứu kinh tế, cho thấy vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đạt tới đỉnh điểm vào năm 2016 với giá trị lên tới 46,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng chỉ còn 5,4 tỉ đô la vào năm 2018, giảm tới 88%. Số liệu sơ bộ bốn tháng đầu năm nay ghi nhận có 2,8 tỉ đô la đầu tư được cam kết, có nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn rất thấp.

Trong nhiều năm qua, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ luôn có xu hướng tăng, đổ vào các ngành xe hơi, công nghệ, năng lượng và nông nghiệp... góp phần tạo công việc làm mới ở nhiều tiểu bang của Mỹ và nhiều chính quyền địa phương đã cố gắng mời chào các nhà đầu tư Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump lên nắm quyền và khởi động cuộc thương chiến Mỹ-Trung, xu hướng đó đã đảo ngược và tác động của sự sụt giảm dòng vốn từ Trung Quốc có thể cảm nhận được ở nhiều ngành kinh tế Mỹ, từ công nghệ đến thị trường nhà đất, dịch vụ, kể cả giáo dục đại học.

Chuyên gia kinh tế Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhận định: “Dòng vốn đầu tư nước ngoài sút giảm mạnh như vậy cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi đến mức nào. Người Mỹ không tin người Trung Quốc và người Trung Quốc cũng chẳng tin người Mỹ”.

Lòng tin chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Báo New York Times ghi nhận, khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, Bắc Kinh bắt đầu siết chặt dòng tiền chảy ra nước ngoài; cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc hạn chế hoạt động đầu tư vào Mỹ như một biện pháp trả đũa trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung hiện nay.

Về phía Mỹ, sự mất lòng tin vào Trung Quốc đã dẫn tới việc gia tăng rà soát các dự án đầu tư và một môi trường đầu tư kém thân thiện với các dự án đến từ Trung Quốc. Chính phủ Mỹ có một cơ quan liên bộ có trách nhiệm xét duyệt đầu tư nước ngoài, gọi là Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), chuyên xem xét các dự án đầu tư, mua bán sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp nước ngoài về các phương diện an ninh quốc gia, tính cạnh tranh, nguồn gốc dòng tiền... nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch nắm đa số cổ phần trong một doanh nghiệp Mỹ.

Nhưng từ năm 2018, theo quyết định của Quốc hội Mỹ, quyền lực của CFIUS được mở rộng đáng kể, CFIUS có quyền xem xét và từ chối phê chuẩn cả những dự án mà nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm cổ phần thiểu số nhưng đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông, công nghệ máy tính, tài chính.

CFIUS đặc biệt quan tâm tới các nhà đầu tư là công ty quốc doanh hoặc có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc. Thiên hướng của Tổng thống Donald Trump sử dụng chiêu bài “an ninh quốc gia” để bảo hộ thị trường, áp đặt thuế suất trừng phạt hoặc ngăn chặn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến cho các nhà kinh doanh Trung Quốc ngần ngại.

Trong hai năm rưỡi cầm quyền của ông Trump, CFIUS đã ngăn chặn nhiều thương vụ đình đám của các nhà đầu tư Trung Quốc, chẳng hạn như vụ công ty công nghệ Broadcom (có trụ sở chính tại Singapore) đề nghị mua lại tập đoàn Qualcomm (chuyên sản xuất bộ xử lý cho thiết bị di động) với giá 117 tỉ đô la Mỹ, vụ tập đoàn Alibaba đòi mua lại công ty chuyển tiền MoneyGram hoặc vụ một quỹ đầu tư có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc muốn mua công ty sản xuất chip Lattice Semiconductor ở Silicon Valley.

Hồi tháng 6 vừa qua, CFIUS ngăn cản vụ tập đoàn dịch vụ y tế UnitedHealth (Mỹ) mua lại công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế PatientsLikeMe (cũng của Mỹ nhưng có phần lớn vốn đầu tư từ tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc) vì lo ngại rủi ro về an ninh khi dữ liệu sức khỏe của người dân Mỹ rơi vào tay Trung Quốc. Vụ sáp nhận cuối cùng được chấp thuận sau khi PatientsLikeMe thoái toàn bộ vốn liếng của nhà đầu tư từ Thẩm Quyến... Những khó khăn trở ngại như vậy “có khả năng gây tác động lạnh nhạt cho các nhà đầu tư Trung Quốc”, luật sư Rod Hunter thuộc hãng luật Baker McKenzie, chuyên tư vấn đầu tư, nhận định.

Sự sút giảm vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng có tác động tới thị trường bất động sản, kể cả bất động sản thương mại lẫn nhà ở. Một báo cáo hồi tháng 5 của Công ty Cushman & Wakefield ghi nhận trong năm 2018, các nhà đầu tư địa ốc Trung Quốc đã mua 37 khu thương mại của Mỹ với giá trị 2,3 tỉ đô la nhưng đồng thời cũng bán đi 3,1 tỉ đô la bất động sản thương mại.

Báo cáo của Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) ghi nhận trong ba tháng đầu năm nay, các giao dịch mua nhà ở Mỹ của người dân và doanh nhân Trung Quốc đã giảm 56% so với cùng kỳ, chỉ còn 13,4 tỉ đô la. Tuy vậy, trên thị trường nhà ở của Mỹ, Trung Quốc vẫn là người mua nước ngoài lớn nhất trong giai đoạn từ tháng 4- 2018 đến tháng 3- 2019; đẩy giá nhà ở nhiều thành phố Mỹ tăng chóng mặt.

Sự sút giảm dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc có tác động nhưng không gây khó khăn nhiều cho kinh tế Mỹ, vì thực tế, dòng vốn Trung Quốc chiếm tỷ lệ và khối lượng không đáng kể so với dòng vốn đầu tư vào từ Anh (541 tỉ đô la năm 2017), Nhật Bản (469 tỉ đô la), Canada (453 tỉ đô la), Luxembourg (410 tỉ đô la) và Hà Lan (367,1 tỉ đô la), theo số liệu của Văn phòng Phân tích Kinh tế (BEA).

Nếu Bắc Kinh muốn chặn dòng vốn này để trả đũa trong cuộc thương chiến Trung-Mỹ thì chắc chắn biện pháp đó không có hiệu quả.

Thái Bình

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291900/dau-tu-cua-trung-quoc-vao-my-giam-manh.html