Đầu tư dịch vụ chăm sóc sức khỏe để hút khách quốc tế
'Du khách quốc tế có xu hướng chọn du lịch xanh gắn liền với chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, ngành công nghiệp không khói nên đầu tư cho dòng sản phẩm này để thu hút các 'thượng đế''.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours (HanoiRedtours) với phóng viên báo Đầu tư.
Thưa ông, cùng với việc mở lại một số đường bay quốc tế (dự kiến từ tháng 7 tới), chúng ta cần làm gì để đảm bảo đón du khách an toàn, hiệu quả?
Trong thời gian “ngủ đông” do Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm đến đã tự đào tạo, làm mới, cải tổ bộ máy và hoạt động để hoàn thiện hệ thống dịch vụ, chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nhân lực. Do đó, khi du lịch quốc tế phục hồi, du lịch Việt Nam đã mang diện mạo mới, ở một tầm cao mới về cả chất lượng, phong cách phục vụ.
Đặc biệt, thời gian qua, ngành du lịch đã nghiên cứu để tái cơ cấu thị trường khách quốc tế. Đối với các thị trường truyền thống, có thể làm mới sản phẩm để thu hút du khách. Đối với những thị trường mới, sẽ đầu tư quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm hấp dẫn…
Hiện các doanh nghiệp đã xây dựng xong kịch bản và sẽ triển khai khi có đủ 3 yếu tố: mở cửa đường bay; chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam và thị trường mục tiêu; đảm bảo an toàn phòng dịch cho du khách.
Trong đó, yếu tố đảm bảo an toàn về phòng dịch là quan trọng nhất. Bởi Chính phủ Việt Nam đã khẳng định, chúng ta thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Chúng ta khai thác khách quốc tế, nhưng vẫn phải bảo đảm yếu tố an toàn. Thị trường nào đã đảm bảo an toàn, vẫn phải xây dựng tiêu chí để kiểm soát tốt dịch bệnh, vì với một đường bay, chúng ta có thể đón du khách từ các thị trường thứ 3, thứ 4 trung chuyển vào Việt Nam.
Vậy theo ông, chính sách visa cần phải thay đổi như thế nào để hấp dẫn du khách?
Càng có nhiều thị trường được miễn visa, càng nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành kinh tế xanh. Từ ngày 1/7, Chính phủ đã cho phép đơn giản hóa thủ tục visa điện tử, nhưng điều đó không có nghĩa là nới lỏng chính sách thị thực.
Khi mở đường bay quốc tế, doanh nghiệp du lịch rất cần có hướng dẫn, khuyến cáo từ các cơ quan chức năng về quy định trường hợp nào được cấp visa, trường hợp nào bị hạn chế cấp visa, hoặc bị từ chối cấp visa. Bởi sau khi mở cửa hàng không quốc tế, chúng tôi phải cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ, đối tác ở nước ngoài triển khai chương trình tour. Du khách cũng cần chuẩn bị thời gian, tài chính để đi du lịch. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng có kế hoạch dài hạn để triển khai hiệu quả tới đối tác và du khách quốc tế.
Trong bối cảnh không thể trực tiếp đi quảng bá, xúc tiến ở nước ngoài, chúng ta cần làm gì để thu hút du khách quốc tế, thưa ông?
Thời gian qua, chúng ta có nhiều hình thức quảng bá, quảng cáo khác nhau và sau Covid-19, phần nào đã định vị được thương hiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, có kỷ cương, kỷ luật xã hội cao. Do đó, khi quảng bá, xúc tiến du lịch, chúng ta cần gửi tới bạn bè quốc tế thông điệp điểm đến Việt Nam an toàn. Đây là lợi thế cạnh tranh để chúng ta có thể khai thác, thu hút du khách quốc tế.
Mặt khác, hiện du khách quốc tế có xu hướng chọn du lịch xanh gắn liền với sức khỏe. Trong khi đó, các sản phẩm du lịch của Việt Nam có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Vì vậy, chúng ta nên đầu tư cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe để thu hút du khách quốc tế.
Ông đánh giá thế nào về tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế thời gian tới?
Khi mở cửa đường bay quốc tế, doanh nghiệp lữ hành sẽ phối hợp với các hãng hàng không và đối tác để khôi phục thị trường từng phần, trước tiên là đón du khách ở những thị trường an toàn đến Việt Nam và đưa du khách Việt Nam tới những điểm đến an toàn.
Tuy nhiên, không phải mở cửa đường bay là ngay lập tức có thể đón được khách. Mỗi đường bay thường phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Có những dòng khách quan trọng bắt buộc phải di chuyển như ngoại giao, đầu tư, thương mại, khám chữa bệnh, du học… Du lịch là ngành thứ hai, chưa có độ cấp thiết thì chưa thể khai thác ngay được.
Theo tôi, tính từ lúc chúng ta mở lại đường bay, đối với thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á, có thể mất khoảng 1 đến 1,5 tháng mới có thể phục hồi; còn các thị trường xa hơn, thì có thể phải cần nhiều thời gian hơn.