Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông: Cần nguồn lực lớn
Những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tương đối đồng bộ; nhiều tuyến đường đã được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để theo kịp sự phát triển kinh tế, ngành Giao thông vận tải (GTVT) cần nguồn lực lớn để đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông liên vùng.
Hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ
Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 4.810km, được phân bố tương đối hợp lý, bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện và đường xã đảm nhiệm vai trò kết nối Bắc - Nam và vùng Tây Nguyên. Những năm qua, cùng với các cơ chế chính sách ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, hệ thống hạ tầng giao thông ven biển bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Một số dự án trọng điểm mang tính động lực đã hoàn thành tạo được kết nối liên vùng; đường từ khu vực các bến cảng đi các huyện đều nâng cấp mặt đường bê tông nhựa; 100% số xã trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã; các tuyến đường nội thị, nội thành được nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa.
Các công trình đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch GTVT đến năm 2021 của tỉnh là các dự án trọng điểm, mang tính động lực phát triển kinh tế biển đã được đầu tư và đưa vào khai thác, tạo được tính kết nối như: Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh dài 152km; 2 cầu vượt nút giao Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1C; Dự án BOT Quốc lộ 26; Dự án đường Nha Trang - Diên Khánh (đường Võ Nguyên Giáp); Dự án đường vào Nhà máy Đóng tàu STX (thị xã Ninh Hòa); Dự án đường cải tuyến Tỉnh lộ 1B - đoạn từ Huyndai Vinashin đến Ninh Tịnh; Dự án nâng cấp đường Tỉnh lộ 2; Dự án nâng cấp, mở rộng Hương lộ 39…
Hiện nay, một số dự án công trình giao thông có ý nghĩa rất quan trọng đang được tiếp tục triển khai thi công hoặc thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư. Trong đó, các dự án của Trung ương, dự án quan trọng quốc gia gồm: Dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm và đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang được triển khai thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2023 và đoạn Vân Phong - Nha Trang đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng; Dự án cầu Xóm Bóng triển khai năm 2022, thời gian thi công hoàn thành khoảng 18 tháng; Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ phục vụ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế biển; giải quyết tốt tổ chức giao thông đô thị tại TP. Nha Trang; khai thác tiềm năng kinh tế biển để phát triển ngành logistics, các ngành công nghiệp biển có thế mạnh.
Hướng đến đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại
Bên cạnh những đổi mới mạnh mẽ trong việc khai thác nguồn lực hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế, thực tế trong thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Quy mô hạ tầng giao thông hiện có không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ phát triển du lịch tăng mạnh, thị trường bất động sản phát triển nhanh gây áp lực rất lớn đến hạ tầng giao thông, đặc biệt là khu vực nội thành Nha Trang, ảnh hưởng phần nào đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngoài những hạn chế, bất cập do các nguyên nhân khách quan, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ, góp phần phát triển nền kinh tế biển toàn diện, giao lưu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, du lịch, sản xuất kinh doanh và trao đổi hàng hóa, ngành logistics. Tuy nhiên, cần có cú hích lớn để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng các tuyến đường trọng điểm có tính kết nối, liên vùng.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42 ngày 21-3-2022 và Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 30 ngày 23-2-2022. Trong đó, đối với nội dung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, nhiệm vụ đặt ra là tập trung nguồn lực để nghiên cứu, thực hiện. Mục tiêu cụ thể là hoàn thành và sớm đưa vào khai thác: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh; tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; nâng cấp, duy tu, bảo trì 5 tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu chuyển đổi tuyến Quốc lộ 1C thành đường địa phương; đường sắt tốc độ cao đoạn TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang; đầu tư mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh; phát triển hệ thống cảng khách thủy nội địa; phát triển cảng biển Khánh Hòa theo quy hoạch là cảng biển loại I.
Bên cạnh đó, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông quan trọng cần được đầu tư như: Dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh, kết nối với xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; tuyến đường vành đai 3 TP. Nha Trang (đoạn Nguyễn Tất Thành đến Võ Nguyên Giáp); đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung; nâng cấp đường Tỉnh lộ 6; các đoạn tuyến đường ven biển như: đường Nguyễn Huệ (huyện Vạn Ninh), tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) đi thị xã Ninh Hòa, đầu tư đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận...
THÀNH NAM