Đầu tư hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu của Tây Ninh được khai thác không chỉ phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn có yếu tố cộng hưởng thúc đẩy sự phát triển của cả vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chào xã giao lãnh đạo Campuchia tại cửa khẩu Tân Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chào xã giao lãnh đạo Campuchia tại cửa khẩu Tân Nam.

Sáng 30.3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong, Trần Văn Chiến cùng chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 3.2022, cho ý kiến một số nội dung quan trọng. Dự họp có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, HĐND, UBMTTQVN tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu lắng nghe, thảo luận và cho ý kiến về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông Phạm Văn Nhựt, bà Lâm Thị Kiêm (thuộc dự án Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giai đoạn 1) do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trình; Tờ trình về bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 7.2.2020 của UBND tỉnh quy định giá bồi thường đối với cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình; Đề án rà soát việc thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 do Sở Giao thông Vận tải trình; Nghị quyết chuyên đề về phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Công Thương trình.

Bảo đảm quyền lợi cho người dân

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư của gia đình ông Phạm Văn Nhựt, bà Lâm Thị Kiêm thuộc dự án Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giai đoạn 1, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đồng ý với tờ trình của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, bổ sung 13.560.712.260 đồng để thực hiện phương án bồi thường, đền bù và hỗ trợ định cư cho gia đình ông Phạm Văn Nhựt và bà Lâm Thị Kiêm. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu UBND huyện Bến Cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tránh sai sót ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Đối với nội dung Tờ trình của Sở NN&PTNT về việc bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 7.2.2020 của UBND tỉnh quy định giá bồi thường đối với cây trồng và vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tham khảo cách định giá cây trồng khi thu hồi đất của các tỉnh lân cận đã và đang áp dụng.

Kết luận vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu Sở NN&PTNT tiếp tục tham khảo cách định giá của các địa phương và Tập đoàn cao su Việt Nam, bảo đảm sau khi bổ sung phải hợp lý, phù hợp với thực tế, chặt chẽ hơn với bảng giá hiện có.

Đầu tư hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu

Trình bày Đề án rà soát việc thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến đường cao tốc với tổng chiều dài 113km, 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài đoạn qua tỉnh khoảng 474km.

Trên cơ sở mạng lưới đường bộ quốc gia đi qua địa bàn tỉnh và định hướng phát triển kết nối với các tỉnh, định hướng kết nối không gian, các vùng trong nội tỉnh, hệ thống giao thông đường bộ kết nối địa phương được quy hoạch điều chỉnh mạng lưới đường tỉnh có 48 tuyến (tăng 16 tuyến so với hiện trạng) với tổng chiều dài 1.176,16km, chiếm tỷ lệ khoảng 14,24% tổng chiều dài trên địa bàn tỉnh.

Định hướng phát triển các tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông và các tuyến rạch; phát triển cảng chuyên dùng và bến thủy trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia và địa phương kết nối với hệ thống đường giao thông đường bộ tạo hành lang phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, bảo đảm việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao lưu kinh tế, tham quan du lịch của người dân trong và ngoài tỉnh.

Tổng nhu cầu sử dụng cho Đề án là 6.494,72 ha, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông đến năm 2030 là 41.542 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát, xác định tuyến giao thông thật cần thiết, ưu tiên đầu tư theo định hướng phát triển của tỉnh, bảo đảm cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng hiệu quả, tăng tính kết nối các địa phương trong tỉnh và liên kết vùng.

Về Nghị quyết chuyên đề về phát triển thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu của Tây Ninh được khai thác không chỉ phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn có yếu tố cộng hưởng thúc đẩy sự phát triển của cả vùng.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc lưu ý, nội dung dự thảo tờ trình cần tập trung các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, nâng cao hiệu quả hoạt động khu kinh tế cửa khẩu, hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối cửa khẩu với hệ thống giao thông trong tỉnh, trong đó có đường vành đai biên giới kết nối cửa khẩu Tân Nam với quốc lộ 22B; đầu tư hạ tầng, thu hút nhân lực và tài chính, thúc đẩy sự phát triển cho khu vực biên giới gắn với công tác đối ngoại.

Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dau-tu-ha-tang-giao-thong-day-manh-phat-trien-kinh-te-bien-mau-a143749.html