Đầu tư hạ tầng giao thông tạo động lực tăng trưởng cho vùng miền núi Bắc Bộ
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực tăng trưởng cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Sáng nay 27/8, tại tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày tham luận về vai trò của giao thông trong tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển KTXH và đảm bảo QPAN. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực tăng trưởng cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng được quy hoạch theo 5 hành lang vận tải chính, tổ chức hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên, kết nối vùng và thủ đô Hà Nội, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Lạch Huyện dựa trên lợi thế từng phân khúc vận tải.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, cảng hàng không, đường thủy gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững vùng.
Giai đoạn đến năm 2025, Bộ GTVT chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên các đường vành đai và một số tuyến quốc lộ khác có nhu cầu vận tải; cải tạo, nâng cấp một số ga hàng hóa để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đầu tư kết nối ray tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai; đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Đuống để thuận lợi cho hoạt động vận tải thủy trên tuyến đường thủy nội địa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Phối hợp, hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai đầu tư các dự án; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng; hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn.
Giai đoạn đến năm 2030, Bộ GTVT chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc: Cổ Tiết - Chợ Bến, tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nghiên cứu triển khai đầu tư các tuyến đường sắt: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng; nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai; nghiên cứu bổ sung cảng cạn trên một số hành lang vận tải để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao hiệu quả khai thác của dịch vụ logistics.
Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ địa phương hoàn thành đầu tư các dự án; mở rộng theo quy hoạch một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư có nhu cầu vận tải cao như Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình; các cảng hàng không: Nà Sản, Lai Châu; tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng; Phát triển cảng cạn theo quy hoạch để tổ chức hiệu quả mạng lưới vận tải và các dịch vụ phân phối hàng hóa của vùng, tối ưu chi phí.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng có các bài tham luận các vấn đề liên quan đến vùng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ có điều kiện tự nhiên với nhiều ưu đãi, tiềm năng phát triển thuận lợi, đây cũng là khu vực giàu truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa độc đáo.
Để tạo sức bật mới cho vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương cần xác định rõ các yếu tố nền tảng, mang tính động lực phát triển, trong đó vấn đề trọng tâm, quyết định là yếu tố nguồn lực con người với các cơ chế, chính sách phù hợp. Cơ chế chính sách là nguồn lực tự thân, là nội lực, không thể đi vay mượn, không thể trông chờ ở các cấp khác làm thay mà cần sự chủ động của vùng, của địa phương.
Để phát triển, các tỉnh trong vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ cần tranh thủ, khai thác tốt môi trường chính trị thuận lợi, sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ngành để phát huy tiềm năng to lớn của vùng như tiềm năng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, thắng cảnh. Nếu có chính sách, cơ chế hợp lý thì các địa phương sẽ biến tiềm năng thành động năng, tiềm lực, sức mạnh.