Đầu tư hạ tầng phát triển nông nghiệp hàng hóa
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, những năm qua, tỉnh đã dành nhiều quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần mở rộng sản xuất, đưa cơ giới hóa vào canh tác, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới một nền nông nghiệp tập trung hàng hóa, chất lượng cao.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, trên địa bàn xã An Hòa (Tam Dương) đã có hơn 7km đường giao thông nội đồng (GTNĐ) được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi đảm bảo đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất cho trên 250 ha, đạt 82,25% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Chị Vũ Thị Hương, cán bộ nông nghiệp xã An Hòa cho biết: “Hệ thống GTNĐ được cứng hóa, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều.
Đến nay, tỷ lệ cứng hóa trong khâu làm đất và thu hoạch lúa của xã đã đạt khoảng 90%. Trong sản xuất rau màu, bà con cũng đã mạnh dạn đầu tư, đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, giúp giải phóng sức lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển”.
Vẫn cơ bản là xã thuần nông song nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, An Hòa đã có bước chuyển mình tích cực. Nhắc đến An Hòa hôm nay, người ta không còn liên tưởng đến một trong những xã nghèo nhất của huyện Tam Dương trước đây; thay vào đó là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Chỉ riêng trong lĩnh vực trồng trọt, tổng giá trị sản xuất năm 2021 của xã đạt trên 100 tỷ đồng. Đặc biệt, cây dưa chuột – nông sản thế mạnh ở xã An Hòa hiện nay đã có mặt tại hệ thống siêu thị GO! Miền Bắc, được Công ty TNHH SENFOOD (Hà Nam) và nhiều bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Không chỉ riêng An Hòa, xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, tỉnh luôn quan tâm đầu tư hạ tầng cho các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các vùng chuyên canh.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được 1.002/1.295km đường trục chính GTNĐ (đạt 77%), bao gồm cả các tuyến trục chính GTNĐ phát sinh do dồn điền đổi thửa. Hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh đã kiên cố hóa được 100% kênh loại I, II, và 98% kênh loại III; duy trì tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động trên 96%.
Bên cạnh Chương trình xây dựng NTM, thông qua dự án QSEAP, tỉnh cũng đã được đầu tư xây dựng 8 cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại các xã, thị trấn Vân Hội, Kim Long, An Hòa (Tam Dương); Tiền Châu (Phúc Yên); Đại Tự (Yên Lạc); Đại Đồng, Thổ Tang (Vĩnh Tường); Hồ Sơn (Tam Đảo).
Việc quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã tạo đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa. Đến nay, trong tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng. Cơ giới hóa được áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất.
Hằng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh ta sản xuất ra khoảng 320 nghìn tấn lúa, 240 nghìn tấn rau các loại, 60 nghìn tấn trái cây và trên 100 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm. Năm 2021, giá trị sản xuất của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt gần 11 nghìn tỷ đồng.
Tại Kế hoạch Triển khai thực hiện Quyết định số 150/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh cũng xác định xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng là 1 trong 10 giải pháp chủ yếu hướng tới mục tiêu mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế của tỉnh, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng GTNĐ, giao thông kết nối các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với các đường tỉnh lộ hay quốc lộ kết nối không gian phát triển giữa các địa phương của tỉnh để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị.
Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, cây trồng cạn, vùng sản xuất công nghệ cao, gắn với xây dựng đồng ruộng. Đồng thời từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn.