Đầu tư hơn 140 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Di tích Chăm Phong Lệ
Ngày 24/3, tại Kỳ họp 11 (chuyên đề) của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) giai đoạn 1 với tổng số tiền đầu tư hơn 140 tỷ đồng.
Theo đó, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua gồm khu vực 1 (khu vực bảo tồn, lõi di tích) có diện tích 2.653m2 và khu vực 2 là khu vực bảo vệ di tích có diện tích 4.279m2 với các công trình bảo tồn như kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ, hạng mục tường bao bảo vệ, hệ thống cây xanh, không gian cảnh quan tạo vùng đệm bảo vệ di tích.
Riêng khu vực 3 là khu vực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật có diện tích 15.461m2, quy hoạch các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách tham quan, thư giãn, giải trí. Ngoài ra có công trình nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, không gian để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, các khu dịch vụ, giải khát, bán các sản phẩm truyền thống.
Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, thực hiện từ năm 2023 đến 2027.
Mục tiêu của dự án nhằm tu bổ, bảo tồn toàn bộ các hạng mục, kết cấu di tích Chăm được khảo cổ phát lộ đảm bảo bền vững lâu dài và thẩm mỹ; tạo thêm không gian trưng bày, triển lãm quảng bá các di sản vật thể văn hóa Chăm. Đồng thời liên kết, kết nối với các tuyến du lịch đường bộ và đường sông khai thác di tích hiệu quả và bền vững tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc cho Du lịch Đà Nẵng nói chung…
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết Di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500 m2 theo Quyết định số 1666/QĐ-BVHTTDL ngày 4/5/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước đó, cụ thể vào tháng 4/2011, gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út (trú tại xóm Cấm, tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà tại lô đất số 173 và 101 đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim (tượng thần điểu Kinnari trong thần thoại Ấn giáo) và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật khẩn cấp.
Tiếp đó, năm 2012 và năm 2018, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tiếp tục được khai quật khảo cổ. Trên cơ sở kết quả khai quật các năm 2011, 2012 và 2018, các nhà nghiên cứu đã có những nhận định: Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ như là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Về kỹ thuật xây dựng, phần nền móng đã được chú trọng gia cố bằng những lớp đầm sử dụng đất sét trộn với gạch và lớp đá cuội kết hợp với cát vàng.
Kết quả khảo cổ cho thấy, tại đây là di tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI, đến nay có niên đại khoảng 1.000 năm. Đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng có điều kiện khảo sát đầy đủ nhất, đồng thời là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Trong đó, có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (gọi là hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Ngoài ra, trong khuôn viên khu di tích còn có hạng mục Miếu Bà là di tích thời Tự Đức (1862) có giá trị về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian.
“Với những giá trị to lớn của di chỉ khảo cổ này, ngày 27/11/2000, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 4568/QĐ-UBND công nhận Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích khảo cổ cấp thành phố”, lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng cho biết thêm.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Sở đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị Phong Lệ, đặc biệt là đề xuất UBND thành phố phê duyệt Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại đây nhằm tạo không gian riêng cho các hiện vật được phát hiện tại di tích Chăm Phong Lệ, giảm tải cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện tại.
Điều này cũng góp phần hoàn chỉnh kiến trúc, cảnh quan, cải tạo không gian xung quanh, tạo môi trường gìn giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa Chăm nói riêng và các dân tộc Việt nói chung; hình thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, độc đáo trên tuyến du lịch đường sông nối thẳng với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn của Quảng Nam.