Đầu tư hơn 157.000 tỷ đồng phát triển kết cấu đường thủy giai đoạn 2021-2030
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ nâng cao tĩnh không cầu Đuống.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030 là khoảng 157.533 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 28.919 tỷ đồng (chiếm khoảng 18%); nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước khoảng 128.614 tỷ đồng (chiếm khoảng 82%).
Danh mục đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025 gồm nâng cao tĩnh không cầu Đuống trên hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì; kênh nối Đáy - Ninh Cơ; nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); phát triển hành lang đường thủy nội địa và logistics khu vực phía Nam; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia chính có lưu lượng lớn; đầu tư các cảng thủy nội địa trên các tuyến vận tải thủy chính.
Giai đoạn từ 2026-2030, nâng cấp 11 tuyến vận tải thủy nội địa chính trên toàn quốc; cơ bản hoàn thành việc cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia; đầu tư các cảng thủy nội địa trên toàn quốc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thành mục tiêu và kế hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, được áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế, phí; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị và địa phương; có cơ chế chính sách đặc thù, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics thực hiện cung ứng dịch vụ vận tải thủy nội địa; hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển hoạt động của phương tiện vận tải sông biển (VR-SB) trên tuyến vận tải ven biển.
Về huy động vốn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp cân đối ưu tiên vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa công cộng (luồng, tuyến, đê, kè đường thủy nội địa) trọng yếu; đẩy mạnh huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư đặc biệt đối với cảng thủy nội địa; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa qua biên giới…