Đầu tư hơn 400 tỷ đồng nâng cấp các hạng mục công trình hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng đã qua hơn 40 năm đưa vào vận hành, khai thác, nên nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp do tác động của thời gian.

Một điểm khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN

Một điểm khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN

Theo ông Trần Quang Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam, hồ Dầu Tiếng đã qua hơn 40 năm đưa vào vận hành, khai thác, nên nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp do tác động của thời gian.

Ngoài ra, cao trình đỉnh đập được xây dựng trước đây chưa đáp ứng với cấp công trình, làm giảm dung tích phòng lũ, chưa có tràn dự phòng (tràn sự cố) để giải quyết trường hợp vượt lũ kiểm tra, lũ cực hạn...

Để đảm bảo an toàn công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam triển khai dự án sửa chữa, nâng cao chất lượng an toàn đập hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2, với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Dự án sửa chữa, nâng cao chất lượng an toàn đập hồ Dầu Tiếng giai đoạn 2 gồm các hạng mục như: sửa chữa gia cố, chỉnh trang mặt đập chính; hạng mục sửa chữa, nâng cấp 3 đoạn kênh Tây; hạng mục sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đập phụ… với nhiều hạng mục đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra; riêng hạng mục sửa chữa, nâng cấp tràn xả lũ và cống dẫn dòng dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025.

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, theo dự báo tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ mưa bão đến sớm và mức độ cao hơn mức bình thường.

Để đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa và vùng hạ du thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam và các tỉnh, thành phố ở khu vực hạ du cần tính toán, chủ động xây dựng phương án, nâng mức cảnh báo lên mức cao để có phương án ứng phó nếu xảy ra tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, các địa phương cần bám sát kế hoạch xả lũ; đồng thời, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, chủ động xây dựng kế hoạch diễn tập cứu hộ, cứu nạn phù hợp với tình hình ngập lụt ở hạ du theo các kịch bản xả lũ trong kế hoạch diễn tập.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước Dầu Tiếng, ngành thủy lợi cần sớm có bản đồ ngập lụt vùng hạ du để chuyển giao cho các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

Cùng với đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam cần quan tâm đầu tư hệ thống quan trắc, đo đạc, dự báo cảnh báo hiện đại, thông minh; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát vận hành hồ chứa...

Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, trải rộng trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, có dung tích chứa hơn 1,58 tỷ m3 nước, với diện tích mặt nước 270 km2 được xem là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á thực hiện nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 249.000 ha đất nông nghiệp, cung cấp gần 150 triệu m3 nước/năm cho sản xuất công nghiệp và nước sinh hoạt cho Tp. Hồ Chí Minh và 4 tỉnh gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An.

Thanh Tân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-tu-hon-400-ty-dong-nang-cap-cac-hang-muc-cong-trinh-ho-dau-tieng/345039.html