Đầu tư kinh doanh online, 2 người bị lừa hơn 6 tỷ đồng

Ngày 1/8, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, 2 người dân trên địa bàn vừa bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hơn 6 tỷ đồng trên không gian mạng.

Theo tường trình của người bị hại, khoảng cuối tháng 5/2024, tài khoản Facebook tên “Quốc Bảo” kết bạn làm quen với chị Đ.T.M (SN 1984), cư trú tại TP Thanh Hóa. Qua nhiều lần nói chuyện, hỏi han, tâm sự về công việc, đối tượng “Quốc Bảo” giới thiệu là nhân viên công nghệ thông tin (IT) của một công ty lớn tại thành phố Hà Nội.

Đến ngày 1/6/2024, tài khoản “Quốc Bảo” gửi cho chị M đường dẫn tới trang web game SANDS với địa chỉ (đường link) www.aaf2.com/Public.login.do và nhờ chị M đăng nhập tài khoản game của “Quốc Bảo” để chơi hộ.

Đối tượng này nói với chị M, mình là nhân viên công nghệ thông tin (IT) nên biết được hệ thống Game sẽ bị lỗi vào các khung giờ từ 15h đến 15h30 và từ 20h đến 20h30 hằng ngày, thời điểm này cứ vào chơi là sẽ thắng. Chị M tin tưởng và đồng ý tham gia, khi chơi chỉ cần nhập 1/2 số tiền trong tài khoản hiện có và nhấn vào 2 nút ấn “Lớn” hoặc “Nhỏ”, sau đó số tiền lợi nhuận sẽ nhận được là 5%, mỗi ngày chỉ thực hiện 2 lần.

Ngày 5/6/2024, đối tượng gợi ý chị M cùng tham gia để kiếm tiền, chị M thấy dễ kiếm tiền nên đã lập tài khoản để tự chơi. Theo hướng dẫn, chị M đã chuyển tiền đến tài khoản 000007936097 tên “CT TNHH CONG NGHE NANG HFM” để nạp vào tài khoản game.

Tham gia trang web game SANDS, chị M bị mất hơn 5,6 tỷ đồng.

Tham gia trang web game SANDS, chị M bị mất hơn 5,6 tỷ đồng.

Theo đó, lần đầu chị M nạp vào 50.000.000 đồng, sau khi chơi thu được 52.920.000 đồng, thực hiện lệnh rút hết số tiền thì tài khoản của chị M nhận được số tiền 52.920.000 đồng từ tài khoản số 1948013701 mang tên NGUYEN THI TUYET DONG. Thấy việc kiếm tiền đơn giản và vẫn rút ra được nên chị M càng tin tưởng và tiếp tục nạp thêm tiền để chơi. Tuy nhiên, những lần sau đó nộp vào số tiền lớn hơn thì tài khoản chị M liên tục bị báo lỗi, chị M tiếp tục nộp thêm tiền để “gỡ gạc” số tiền đang bị treo. Khi chị M đã nạp vào nhiều lần tổng là 5.610.000.000 đồng nhưng không rút được tiền về thì nhận ra mình đã bị lừa.

Tương tự, một người dân ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa mới đây cũng bị “bốc hơi” 500 triệu đồng vì tin theo lời kẻ xấu đầu tư kinh doanh qua mạng. Cụ thể, bị hại được một đối tượng kết bạn làm quen qua Facebook và thường xuyên nhắn tin nói chuyện qua lại. Sau một thời gian nói chuyện hợp nhau thì đối tượng rủ bị hại đăng ký tài khoản trên trang trang web https://hotel-oyo.vip/#/index để đầu tư kinh doanh phòng khách sạn online.

Kinh doanh phòng khách sạn online, một người ở huyện Thọ Xuân bị mất hơn 500 triệu đồng.

Kinh doanh phòng khách sạn online, một người ở huyện Thọ Xuân bị mất hơn 500 triệu đồng.

Sau khi lập tài khoản trên web, bị hại được hướng dẫn chuyển tiền đến một tài khoản ngân hàng được chỉ định, sau đó vào web thực hiện các thao tác nhấn “mua phòng” và “bán lại phòng” thì sẽ được hưởng ngay tiền hoa hồng từ 10% đến 16%. Sau một vài lần thao tác bị hại đã nhận được một khoản tiền “hoa hồng” chuyển về tài khoản đúng như giới hiệu. Thấy rút được tiền, bị hại đã tin tưởng và đầu tư thêm số tiền lớn hơn với mong muốn thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Tuy nhiên, đến lúc này nạn nhân đã rơi vào bẫy khi web thông báo lỗi cho bị hại thao tác sai không cho rút tiền về. Nạn nhân tiếp tục được đối tượng “chăm sóc khách hàng” trên web dẫn dụ phải nộp thêm nhiều lần các khoản tiền thuế, phí bảo lãnh và các khoản khác và hứa hẹn sẽ rút được tiền về, nhưng cứ nộp hết lần này thì lại nảy sinh lý do khác càng nạp vào càng không rút ra được. Đến đây, nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa thì đã quá muộn.

Thực tế các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho thấy, đa số các bị hại mất tiền đều do tâm lý “hám lợi” từ việc đầu tư qua mạng. Ban đầu tham gia, các đối tượng lừa đảo sẽ để cho người chơi kiếm được một số tiền lời nhất định. Khi thấy việc kiếm tiền khá dễ dàng, người chơi sẽ nộp tiền lần tiếp theo, đến lúc này các đối tượng lừa đảo biết bị hại đã “mắc mồi” nên sẽ chuyển hướng, báo “tài khoản” hoặc trang “web” đang bị lỗi, phải nộp thêm tiền mới rút được tiền về. Tâm lý các bị hại muốn gỡ lại số tiền đã mất nên cứ thế làm theo, chỉ đến khi số tiền nộp vào quá lớn mới biết mình bị mắc lừa thì đã quá muộn. Phần đông những vụ việc bị lừa đảo như trên bị hại sẽ không có cơ hội lấy lại tiền, vì các đối tượng lừa đảo đều trú ngụ ở nước ngoài.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/dau-tu-kinh-doanh-online-2-nguoi-bi-lua-hon-6-ty-dong-i739172/